-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Thương hiệu: Đang cập nhật
Tình trạng: Còn hàng
1. Ngưu Tất: (Radix Achyranthis bidentatae )
+ Tên khác: Cỏ xước, Bách bội (Bản Kinh), Ngưu kinh (Quảng Nhã), Thiết Ngưu tất (Trấn Nam Bản Thảo), Thổ ngưu tất (Bản Thảo Bị Yếu), Hồng ngưu tất (Giang Tây, Tứ Xuyên), Xuyên ngưu tất, Ngưu tịch, Tiên ngưu tất, (Đông Dược Học Thiết Yếu).
+ Cây thuốc: Cây thân thảo sống nhiều năm, cao 60-110cm. Rễ củ hình trụ dài. Thân có 4 cạnh, phình lên ở các đốt như gối trâu lên gọi là ngưu tất, Lá mọc đối, hình trái xoan bầu dục cỡ 15x5cm, nhọn hai đầu, mép lượn sóng, có lông thưa hay không lông; gân phụ 5-7 cặp; cuống ngắn 1-3cm. Cụm hoa hình bông mọc ở ngọn thân hoặc đầu cành; hoa ở nách những lá bắc. Quả bế hình bầu dục, chứa một hạt hình trụ. Hoa tháng 5-9, quả tháng 10-11.
- Cây ngưu tất là một loại cỏ xước cho nên người ta nhầm với cây cỏ xước Achyranthes aspera L. Cỏ có thân mảnh, hơi vuông, thường chỉ cao 1m, cũng có khi tới 2m. Lá mọc đối có cuống, dài 5 – 12cm, rộng 2 – 4cm, phiến lá hình trứng, đầu nhọn, mép nguyên. Cụm hoa mọc thành bông ổ đầu cành hoặc kẽ lá.
- Nhìn bề ngoài, Cỏ xước không xanh tốt, mượt mà như Ngưu tất vì Ngưu tất là cây trồng được chăm sóc cẩn thận hơn. Điều khác biệt rõ nhất là phiến lá Ngưu tất to hơn và tù hơn, còn lá Cỏ xước gầy và nhọn hơn. Để phân biệt nhanh chóng, khi gặp cây Cỏ xước, nhổ lên xem rễ. Rễ Cỏ xước rất nhiều rễ con, rễ cái bị gỗ hoá. Còn rễ Ngưu tất ít rễ con hơn, rễ cái nạc và dài như chiếc đũa.
+ Dược liệu: Rễ to, dài và mềm dẻo là loại tốt. Loại có thân và rễ màu hồng gọi là thảo căn.
- Rễ hình trụ dài 20cm - 30cm, đường kính 0,5cm - 1,0 cm. Đầu trên mang vết tích của gốc, thân. Đầu dưới nhỏ. Mặt ngoài mầu vàng nâu, có nhiều nếp nhăn nhỏ, dọc và vết tích của rễ con.
+ Phân bố: Hiện ta đang trồng giống ngưu tất di thực của Trung Quốc có rễ to hơn cây cỏ xước mọc hoang ở khắp nơi trong nước ta. Có thể tìm loại cỏ xước ở nước ta dùng làm ngưu tất được.
- Hoài ngưu tất chủ yếu sản xuất ở Hà Nam; Xuyên ngưu tất chủ yếu sản xuất ở Tứ xuyên, Vân Nam, Quý Châu trung quốc.
+ Cây được di thực vào việt nam, trồng được cả ở núi cao lẫn đồng bằng. Cây Ngưu tất ở Việt Nam gọi là cây cỏ xước, loại này nhỏ hơn Ngưu tất di thực.
+ Xuất xứ: Hà Nam, Trung Quốc.
+ Bộ phận dùng: dùng rễ phơi hay sấy khô – Radix Achyranthis bidentatae – của cây ngưu tất.
2. Thu hái - sơ chế:
+ Vào mùa Đông lá thân khô héo đào lấy, bỏ sạch rễ râu, đất, sau khi phơi đến nhăn khô, dùng Lưu huỳnh hun vài lần, sau đó cắt đều đầu nhọn, phơi khô và cắt thành lát mỏng.
3. Bào chế - bảo quản:
Bào chế:
+ Ngưu tất dùng sống (cách này thường dùng): Rửa sạch, để ráo nước, thái mỏng, sấy khô .
+ Ngưu tất dùng chín: Tẩm rượu hoặc tẩm muối tùy từng trường hợp, sấy khô.
Bảo quản: Để nơi khô ráo, thoáng mát. Tránh ẩm , mốc.
4. Thành phần:
+ Rễ củ chứa saponin tritecpenoid (sau khi qua nước thủy phân thành oleanolic acid và đường), genin là acid oleanolic, các sterol ecdysteron, inokosteron, glucoza, polysaccharide, muối kali...
+ Ngưu tất còn hàm chứa arginine (Arg) v.v…12 lọai amino acid và alkaloids, hợp chất coumarins v.v…và nguyên tố vi lượng sắt, đồng v.v…
5. Tính vị- quy kinh:
Tính vị: Vị đắng, chua, tính bình.
Quy kinh: Vào hai kinh Can và Thận.
6. Tác dụng - chủ trị:
Tác dụng dược lý:
+ Theo một số nghiên cứu Ngưu tất có tác dụng thúc đẩy quá trình tổng hợp protein.
+ Dịch chiết Cồn Ngưu tất có tác dụng ức chế tim ếch cô lập, làm giãm mạch hạ áp, hưng phấn tử cung có thai hoặc không có thai.
+ Thuốc còn có tác dụng lợi tiểu, làm hạ đường huyết, cải thiện chức năng gan, hạ cholesterol máu.
+ Tổng saponin Ngưu tất có tác dụng hưng phấn rõ rệt đối với cơ trơn tử cung, chất chiết benzene.
+ Hoài ngưu tất có tác dụng chống sinh sản, chống lại quá trình cấy (đưa phôi vào tử cung) và chống mang thai sớm, thành phần hữu hiệu chống sinh sản là ecdysterone.
+ Chất chiết cồn Ngưu tất có tác dụng ức chế tim động vật nhỏ thực nghiệm, thuốc sắc đối với cơ tim chó gây mê cũng có tác dụng ức chế.
+ Thuốc sắc và dịch chiết cồn có tác dụng lợi niệu độ nhẹ và giáng áp ngắn tạm thời, và có hưng phấn hô hấp.
+ Hoài ngưu tất có khả năng làm giảm độ dính của máu ở chuột lớn, tỷ lệ thể tích huyết cầu, chỉ số tụ tập hồng huyết cầu, và có tạp dụng chống đông.
+ Ecdysterone có tác dụng giáng mỡ, và có thể giáng thấp đường huyết rõ rệt. Ngưu tất có tác dụng chống viêm, trấn thồng (giảm đau), có thể đề cao công năng miễn dịch cơ thể. Thuốc sắc có tác dụng ức chế đối với ống ruột rời cơ thể của chuột con, có tác dụng co rút mạnh đối với ống ruột chuột lang (Trung dược học).
Tác dụng:
+ Hoạt huyết, trừ ứ bế và điều kinh. Bổ can, thận, khoẻ cơ gân, lợi tiểu, chống loạn tiểu tiện. Làm thuốc dẫn (sứ dược) cho các bài thuốc trị bệnh phần dưới cơ thể; Tăng tưới máu cho phần dưới cơ thể.
Chủ trị:
+ Trị các chứng: Rối loạn kinh nguyệt, đau kinh, tắt kinh, đau bụng sau sanh, đau do chấn thương, lưng gối nhức mỏi, huyết niệu, tiểu tiện đau buốt, không thông, các chứng thổ huyết, nục huyết, đau lợi răng, miệng lưỡi lở, đau đầu chóng mặt, đẻ khó.
+ "chủ hàn thấp nuy tý, chân tay co quắp, gối đau không duỗi được, trục huyết khí, lở lóet do hỏa nhiệt, trụy thai". (Sách Bản kinh).
+ "trị nam thận âm suy giảm, người già tiểu không tự chủ, tăng cốt tủy, trị đau trong não và cột sống thắt lưng, trị phụ nữ kinh nguyệt không đều, huyết kết, ích tinh, lợi âm khí, giảm tóc bạc". (Sách Danh y biệt lục).
+ "Ngưu tất sao rượu bổ can thận, dùng sống trừ ác huyết (máu độc). Trị đau lưng gối, chân teo, âm tiêu ( yếu sinh lý) tiểu không tự chủ (thất niệu), sốt rét lâu ngày (cửu ngược). Thuốc còn trị chứng trưng hà, các chứng tâm phúc thống, ung thũng ác sang, họng lợi răng đau, tiểu đau, tiểu ra máu, các chứng kinh thai sản nhờ thuốc có tác dụng khử ác huyết". (Sách Bản thảo cương mục ).
+ " trị chứng ngũ lâm, dùng Ngưu tất 1 lạng gia thêm ít Nhũ hương sắc uống vài thang là khỏi, nhờ tác dụng đi xuống mà thông được tiểu tiện" (Sách Bản thảo thông huyền).
+ "Ngưu tất nguyên là thuốc bổ, chuyên đưa khí huyết đi xuống, mà dùng làm thuốc dẫn dược.Thuốc trị chứng thận hư, đùi lưng đau, gối đau không co duỗi được, cẳng teo không đi lại được. Trị con gái kinh bế huyết khô, có tác dụng dục sản. Trị chứng tiểu buốt (lâm thống), thông lợi tiểu tiện". ( Sách Y học Trung trung tham tây lục ).
7. Kiêng kỵ:
+ Không dùng ngưu tất cho thai phụ hoặc ra nhiều kinh nguyệt.
+ Ghét Hùynh hỏa, Qui giáp, Lục anh. Sợ Bạch tiền.
+ Ngưu tất có tính hoạt, không dùng cho người di tinh, mộng tinh.
8. Một số cách dùng thông dụng:
+ Trị bệnh phụ khoa: như rối loạn kinh nguyệt, đau kinh, kinh bế, đau bụng sau sanh do thuốc có tác dụng thông kinh, khu ư,ù chỉ thống. Thường dùng phối hợp với Đào Nhân, Hồng hoa, Đương Quy.
Có thể dùng các bài thuốc sau:
+ Trị các chứng gân cơ yếu: (thuốc có tác dụng tư bổ can thận) thường phối hợp với Thục địa, Qui bản, Tỏa dương, Hổ cốt. Bài thuốc thường dùng: Hổ tiên hoàn (Y phương tập giải): Qui bản , Hoàng bá, Tri mẫu, Thục địa , Đương quy, Toả dương, Bạch thược, Trần bì, Hổ cốt, Ngưu tất.
+ Trị chứng tê thấp khớp đau: dùng Ngưu tất phối hợp với Thương truật, Hoàng bá, Ý dĩ như các bài:
- Tam diệu tán (Y học chính truyền): Thương truật 12g, Xuyên Ngưu tất 12g , Hoàng bá 8g, tán bột mịn trộn đều , mỗi lần uống 10g. Ngày uống 3 lần với nước gừng.
- Tứ diệu hoàn (Thanh phương tiện độc) gồm : Ngưu tất gia Mộc qua, Phòng kỷ, Tỳ giải.
+ Trị chứng tiểu ra máu: (viêm niệu, sạn niệu) dùng Ngưu tất gia Đương qui, Cù mạch, Hoạt thạch (Ngưu tất thang trong sách Bị cấp thiên kim yếu phương).
+ Phòng trị chứng Bạch hầu: Ngưu tất 7 phần, Cam thảo 3 phần, sắc uống thay nước trà hằng ngày.
+ Trị chứng thổ huyết, nục huyết: (chảy máu cam): thường dùng phối hợp với Tiểu kế, Bạch mao căn, Chi tử ... có kết quả. Có tác giả dùng Ngưu tất, Đại giá thạch, Tiên hạc thảo lượng bằng nhau trị chảy máu cam 110 ca, uống trung bình trên dưới 10 thang đều khỏi (Báo cáo của Quách Trung, Tạp chí Trung y Triết giang 1984,19 (7):305).
+ Trị tử cung xuất huyết cơ năng: Xuyên Ngưu tất mỗi ngày 30 - 45g sắc uống. Trị 23 ca, uống liên tục 2 - 4 ngày hết xuất huyết, trường hợp xuất huyết lâu ngày, uống tiếp thêm 5 - 10 ngày cũng cố (Tạp chí Trung y Triết giang 1982,17(2):86).
+ Trị Lactosurie: dùng Ngưu tất 90 - 120g, hạt rau cần 45 - 60g, sắc 2 lần trộn uống chia 2 - 3lần, uống 6 thang khỏi, 3 tháng thấy có kết quả, trị 21 ca có kết quả 86% (Tạp chí Trung y Sơn đông 1989, 6:40).
Giao hàng trên toàn quốc
Thành tiền: