Nhũ Hương

Thương hiệu: Đang cập nhật

Tình trạng: Còn hàng

Liên hệ
1. Nhũ Hương: (Gummi resina olibanum ) + Tên khác: Huân lục hương (Biệt Lục), Hắc lục hương (Bản Thảo Cương Mục), Nhũ đầu hương (Hải Dược Bản Thảo), Thiên trạch hương, Ma lặc hương, Đỗ thiềm hương, Dục hương (Bản Thảo Cương Mục), Tây hương (Bản Thảo Diễn Nghĩa). + Cây thuốc: Nhũ hương là loại cây vừa, nhỏ, cao 4-5m, cao nhất khoảng 6m. Cây khô thô, khoẻ, vỏ cây trơn sáng, mầu vàng nâu nhạt. Vỏ cây nơi cành to có dạng như tấm vẩy dần dần bong ra. Lá mọc xen kẽ, dầy hoặc mọc thưa ở vùng trên. Lá kép...

1. Nhũ Hương: (Gummi resina olibanum )

+ Tên khác: Huân lục hương (Biệt Lục), Hắc lục hương (Bản Thảo Cương Mục), Nhũ đầu hương (Hải Dược Bản Thảo), Thiên trạch hương, Ma lặc hương, Đỗ thiềm hương, Dục hương (Bản Thảo Cương Mục), Tây hương (Bản Thảo Diễn Nghĩa).

+ Cây thuốc: Nhũ hương là loại cây vừa, nhỏ, cao 4-5m, cao nhất khoảng 6m. Cây khô thô, khoẻ, vỏ cây trơn sáng, mầu vàng nâu nhạt. Vỏ cây nơi cành to có dạng như tấm vẩy dần dần bong ra. Lá mọc xen kẽ, dầy hoặc mọc thưa ở vùng trên. Lá kép dạng lông cánh lẻ. Dài 15-25cm, cuống lá có lông trắng, lá nhỏ 7-10 lá đôi, mọc đối, không cuống, vùng đáy lá rất nhỏ, hướng trên to dần. Lá nhỏ dài, hình trứng, dài 3,5cm, lá ở đỉnh dài 7,5cm, rộng 1,5cm, đầu lá tù, vùng đáy lá hình tròn, gần như hình tim, mé cạnh lá có răng cưa, tròn, không theo thứ tự nào hoặc gần như không có răng cưa, hai mặt lá đều phủ lông trắng hoặc mặt trên lá không có lông. Hoa nhỏ, bầy thành cụm hoa có tổng trạng thưa, nụ hình trứng, cánh hoa 5 cánh, mầu vàng nhạt, hình trứng, dài gấp 2 lần đài hoa, mé trước nhọn. Đài hoa dạng chén, mé trước xẻ 5, cánh xẻ dạng hình tam giác, hình trứng. Nhuỵ đực 10, mọc ở bên ngoài đài hoa. Vòi nhuỵ ngắn, tử phòng ở bên trên, có 3-4 ngăn, mỗi ngăn có 2 phôi châu mọc rũ, đầu trụ dạng đầu, hơi xẻ 3, hạch quả hình trứng ngược, dài khoảng 1 phân, có 3 góc, đầu tù, vỏ quả chất thịt, mỗi ngăn có 1 hạt.

+ Dược liệu: Vị thuốc Nhũ hương là phần nhựa cây khô có dạng hạt hình cầu nhỏ, dạng giọt nước hoặc khối nhỏ không đều dài 0,5 – 3 mm, có khi dính thành cục, màu vàng nhạt và thường có pha màu lục nhạt, màu lam hoặc màu đỏ nâu, trong mờ, mặt ngoài có một tầng bụi phấn màu trắng, sau khi bỏ lớp bụi phấn mặt ngoài vẫn không sáng bóng. Chất cứng giòn, mặt gẫy dạng sáp không sáng bóng, cũng có một số nhỏ mặt gẫy sáng bóng dạng pha lê. Mùi thơm nhẹ, vị hơi đắng. Nhai dược liệu lúc đầu vỡ vụn, sau đó nhanh chóng mềm thành khối keo, nước bọt thành dạng sữa và có cảm giác cay thơm nhẹ.

+ Phân bố: Mọc ở các vùng ven Địa trung hải. Một cây hằng năm cho từ 3-4kg.

+ Xuất xứ: Trung Quốc.

+ Bộ phận dùng: Là chất nhựa lấy từ cây Nhũ hương (Pistacia lentiscus L.), họ Đào lộn hột (Anacardiaceae).


2. Thu hái - sơ chế:

+ Vào mùa xuân hoặc mùa hạ thu gom Nhũ hương, tốt nhất là mùa xuân. Thu hoạch Nhũ hương bằng cách dọc theo cây từ dưới lên, rạch sâu thì lấy được nhựa nhiều, hứng lấy nhựa, lúc nhựa khô lấy về. Nếu nhựa khô rơi xuống đất thường dính tạp chất, phẩm chất kém.

3. Bào chế - bảo quản:

Bào chế: Cho một ít rượu vào nghiền nát, phi qua nước, phơi khô, hoặc nghiền tán với bột nếp (Lôi Công Bào Chế Dược Tính Giải). Theo kinh nghiệm Việt Nam: Nhặt bỏ tạp chất, tán với Đăng tâm để thành bột (cứ 1 lạng Nhũ hương (40g) dùng 1/4 đồng cân (1g) Đăng tâm), hoặc sao qua với Đăng tâm rồi tán. Nếu tán một mình Nhũ hương thì sau này hút ẩm và đóng cục (Phương Pháp Bào Chế Đông Dược).

Bảo quản: Tránh ẩm, để nơi khô ráo, giữ mùi thơm.

4. Thành phần:

+ Nhựa cây 60-70%, gôm 27-35%, tinh dầu 3-8%. Thành phần chủ yếu của nhựa cây là Free Anpha, Bê ta- Boswellic acid 33%, Olibanoresene 33% (Wallis T E. Textbook of Pharmacognocy 2Ed 1951 : 467).

-  O-acetyl-Bêta-Boswellic acid)  (Hairfeild E M và cộng sự, J Chromatogr Sci. 1989, 27 (3) : 127).

-  Dihydroroburic acid Ernesto Fattorusso và cộng sự, Phytochemistry 1983, 22 (12) : 2868).

-  Epilupeol acetate, Tirucallo Xaasan Cabdi Farah và cộng sự, C A 1985, 102 : 182459m).

5. Tính vị- quy kinh:

Tính vị:

+ Vị hơi ôn (Biệt Lục).

+ Vị cay, nhiệt, hơi độc (Nhật Hoa Tử Bản Thảo).

+ Vị đắng, cay, thuần dương (Bản Thảo Cương Mục).

+ Vị cay, đắng, tính ôn (Trung Dược Học).

Quy kinh:

+ Vào kinh Tâm (Bản Thảo Cương Mục).

+ Vào kinh Tỳ, Phế, Tâm, Can, Thận (Bản Thảo Tân Biên).

+ Vào kinh Tâm, thông 12 kinh (Bản Thảo Tùng Tân).

+ Vào kinh Tâm, Can, Tỳ (Trung Dược Học).

6. Tác dụng - chủ trị:

+ Liệu phong thuỷ độc thũng, khứ ác khí. Trị phong ẩn chẩn, ngứa, độc (Biệt Lục).

+ Khứ ác khí, ác sang (Tân Tu Bản Thảo).

+ Trị điếc, trúng phong cấm khẩu, bệnh về khí huyết của phụ nữ, năng phát tửu, lý phong lãnh, trị các loại nhọt (Bản Thảo Thập Di).

+ Làm yên đau ở các kinh (Trân Châu Nang).

+ Bổ Can, khứ phong bổ Tâm ninh thần, sinh cơ, chỉ thống (Y Lâm Toản Yếu).

+ Hoạt huyết, chỉ thống. Trị bế kinh, thống kinh, đau vùng thượng vị, đau phong tê thấp, té ngã chấn thương, trường ung. Tiêu phù, sinh cơ, trị các chứng nhọt lở lâu ngày khó lành miệng (Trung Dược Học).

+ Điều khí, chỉ thống, hoạt huyết, thư cân. Trị các chứng đau ở vùng ngực, bụng, ung nhọt sưng đau, bị ngã, bị đánh, tổn thương, khí huyết ngưng tụ gây đau (Đông Dược Học Thiết Yếu).

7. Kiêng kỵ:

+ Thuốc cho vào thang làm nước thuốc đục, uống dễ gây nôn, vì vậy người đau dạ dày nên dùng lưọng nhỏ hơn và không dùng lâu (Trung Dược Học).

+ Không dùng cho bệnh nhân có thai (Trung Dược Học).

8. Một số cách dùng thông dụng:

+ Trị kinh bế, đau kinh: thuốc phối hợp với Đương qui, Đào nhân, Hồng hoa (Trung Dược Học).

+ Trị đau vùng thượng vị: phối hợp cùng thuốc hành khí như Xuyên luyện tử, Mộc hương, Trần bì (Trung Dược Học).

+ Trị phong thấp đau nhức: Khương hoạt, Tần giao, Đương qui, Hải phong đằng  (Quyên Tý Thang - Y Học Tâm Ngộ) .

+ Trị chấn thương ngoại khoa gây sưng đau: Nhũ hương, Một dược, Xuyên khung đều 5g, Bạch chỉ, Xích thược, Đơn bì, Sinh địa đều 10g, Cam thảo 3g. Tán bột, mỗi lần uống 3-4g, ngày 2 lần với rượu hoặc nước tiểu trẻ em chưng lên (Nhũ Hương Định Thống Tán  - Lương Phương Tập Dịch).

+ Trị chấn thương ngoại khoa gây sưng đau: Nhũ hương, Chu sa, Một dược đều 5g, Huyết kiệt, Hồng hoa đều 6g, Nhi trà 10g, Xạ hương 2g, Băng phiến 3g. Tán bột, mỗi lần uống 2g với rượu (Thất  Ly Tán – Lương Phương Tập Dịch).
 

+ Trị ung nhọt sưng đau: Nhũ hương, Một dược đều 5g, Thiên hoa phấn, Đại hoàng, Hoàng kỳ, Ngưu bàng tử, Mẫu lệ đều 10g, Kim ngân hoa 15g, Cam thảo 3g. Sắc uống (Nhũ Hương Tiêu Độc Tán - Ngoại Khoa Trích Lục).

+ Trị nhọt vỡ lâu ngày khó lành miệng: Nhũ hương, Một dược, tán bột, trộn với dầu (mè) đắp ngoài có tác dung tiêu thũng, sinh cơ tốt (Hải Phù Tán - Ngoại Khoa Trích Lục).

+ Trị viêm gan, vùng gan đau: Nhũ hương, Một dược, Miết giáp, Ngũ linh chi, lượng bằng nhau, sắc lấy nước đặc, tẩm vào gạc, đắp lên vùng đau lúc còn ấm. Thẩm Tích Lâm dùng trị 32 ca, khỏi 21 ca, bớt đau rõ 6 ca, tiến bộ 3 ca (Giang Tô Trung y Tạp chí 1962, 8 : 39). 

+ Trị vú có hạch (nhũ hạch): Nhũ hương, Một dược, Hoàng bá, Đại hoàng, tán bột,  trôn đều cho Băng phiến cất vào lọ có mầu tối. Lúc dùng lấy lòng trắng trứng trộn thuốc cho vào gạc, đắp lên vùng đau (gạc dày 1mm), chườm nóng ngoài càng tốt, cứ 24 giờ thay thuốc cho đến khi tiêu hạch (Nhũ Một Băng Hoàng Cao - Thiểm Tây Trung y Tạp chí 1982, 3 (6) : 41).

+ Trị té ngã, chấn thương, đau sau khi sinh, tâm phúc đau: do thuốc có vị thơm, cay, tính tẩu tán, tán huyết, bài nùng, thông khí, hóa trệ (Bản Thảo Hội Ngôn).