Nhục Quế

Thương hiệu: Đang cập nhật

Tình trạng: Còn hàng

Liên hệ
1.Nhục Quế: (Cinnamomum cassia Presl) + Tên khác:  Ngọc Thụ,Quế đơn, Quế bì, Quế Trung Quốc, Nhục quế, Mạy quẻ (Tày), Kía (Dao), quế thanh, quế quảng,... + Cây thuốc: Cây gỗ vừa cao 15-20 m. Thân non màu xanh có nhiều khía dọc và lông mịn, tiết diện hình chữ nhật; thân già màu xám đen có nhiều nốt sần, tiết diện tròn. Toàn cây có mùi thơm. Lá đơn, mọc cách, các lá gần ngọn gần như mọc đối, không có lá kèm. Phiến lá hình bầu dục, đầu và gốc nhọn, dài 20-25 cm, rộng 8-9 cm, cứng giòn; mặt trên bóng láng, màu xanh...

1.Nhục Quế: (Cinnamomum cassia Presl)

+ Tên khác:  Ngọc Thụ,Quế đơn, Quế bì, Quế Trung Quốc, Nhục quế, Mạy quẻ (Tày), Kía (Dao), quế thanh, quế quảng,...

+ Cây thuốc: Cây gỗ vừa cao 15-20 m. Thân non màu xanh có nhiều khía dọc và lông mịn, tiết diện hình chữ nhật; thân già màu xám đen có nhiều nốt sần, tiết diện tròn. Toàn cây có mùi thơm. Lá đơn, mọc cách, các lá gần ngọn gần như mọc đối, không có lá kèm. Phiến lá hình bầu dục, đầu và gốc nhọn, dài 20-25 cm, rộng 8-9 cm, cứng giòn; mặt trên bóng láng, màu xanh đậm hơn mặt dưới; bìa phiến nguyên. Hệ gân lá có 3 gân chính gồm 1 gân giữa và 2 gân bên nổi rõ ở hai mặt; cặp gân bên hình cung, xuất phát cách gốc lá 0,5-1 cm, cách bìa phiến 1,5-2 cm, chạy dọc tới ngọn; gân phụ nhiều, hình mạng lưới, không rõ. Cuống lá mặt trên phẳng, mặt dưới lồi tròn, màu xanh pha xám, dài 2-2,5 cm. Cụm hoa xim 2 ngả tụ thành chùm, mọc ở nách lá hay ngọn cành; cuống cụm hoa hình trụ dài 10-12 cm, màu xanh, có nhiều lông

mịn. Hoa đều, lưỡng tính, mẫu 3. Lá bắc và lá bắc con dạng vẩy tam giác màu xanh, có nhiều lông mịn, rụng sớm; lá bắc dài 1-2 mm, lá bắc con dài 0,4-0,6 mm. Cuống hoa hình trụ dài 0,3-0,4 cm, màu xanh, có nhiều lông mịn. Bao hoa 6 phiến hình bầu dục hơi nhọn ở đầu, màu vàng xanh, đều, rời, có nhiều lông mịn, dài 0,2-0,3 cm, rộng 0,2-0,3 cm, xếp xen kẽ nhau trên 2 vòng, tiền khai van. Bộ nhị 4 vòng xếp xen kẽ nhau, mỗi vòng 3 nhị dài 1,2-2 mm rộng 0,4-0,5 mm, vòng trong cùng nhị lép; 3 vòng nhị ngoài chỉ nhị hình bản gốc có nhiều lông mịn, 4 ô phấn hình bầu dục dài xếp chồng lên nhau, mở bằng nắp bật lên, 2 vòng nhị ngoài hướng trong; riêng vòng nhị thứ 3 đáy chỉ nhị có 2 tuyến nhỏ hình khối màu vàng, bao phấn hướng ngoài; vòng nhị lép chỉ nhị hình bản dài 0,4-0,5 mm, rộng 0,3-0,4 mm, phía trên là khối màu vàng hình mũi tên dài 0,4-0,5 mm. Hạt phấn hình cầu đường kính 25-35 µm, nhẵn. Lá noãn 1, bầu giữa 1 ô, 1 noãn đính nóc; bầu màu xanh, hình bầu dục dài 0,9-1 mm, nằm tự do trong đế hoa lõm hình chén; vòi nhụy hình trụ dài 1,5-2 mm, đính ở đỉnh bầu, đầu nhụy dạng điểm màu nâu. Quả hình cầu đường kính 2-3 mm, màu xanh, nằm trên 1 đấu nguyên.

+ Dược liệu: Vị thuốc Quế nhục là vỏ thân hoặc vỏ cành đã chế biến khô của cây (Cinnamomum cassia Presl.) hoặc một số loài Quế khác (Cinnamomum sp.). Đó là những mảnh vỏ dày 1 mm trở lên, dài 50cm, thường cuộn tròn thành ống. Mặt ngoài màu nâu đến nâu xám, có các lỗ vỏ và vết cuống lá. Mặt trong màu nâu hơi đỏ đến nâu sam, nhẵn. Quế rất dễ bẻ gãy, vết bẻ có màu nâu đỏ, có ít sợi tơ. Dược liệu Quế nhục có mùi thơm đặc trưng, vị cay, ngọt.

+ Phân bố: Cây sinh trưởng trong rừng nhiệt đới, ẩm thường xanh, ở độ cao dưới 800m.

+ Ở nước ta quế có nhiều ở Quảng Ninh, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Hà Tây, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hoà, Bà Rịa-Vũng Tàu. Trong đó có 4 vùng trồng quế tập trung là: Yên Bái, Quảng Ninh, Thanh Hoá - Nghệ An và Quảng Nam - Quảng Ngãi.Ngoài ra, quế còn phân bố ở Tây Ấn Ðộ, Xri Lanca và được trồng ở nhiều xứ nhiệt đới khác.

+ Xuất Xứ: Việt Nam.

+ Bộ phận dùng: Vỏ của cành và thân cây quế.

2. Thu hái - sơ chế:

+ Thân được cắt vào thời kỳ nóng nhất, loại bỏ vỏ khi bắt đầu vào thu, phơi khô dưới nắng và cắt thành lát mỏng

3. Bào chế - bao quản:

Bào chế:

 + Vỏ quế khô cạo sạch biểu bì gọi là Nhục quế tâm.

+ Vỏ quế cuộn tròn thành hình ống gọi là Quan Quế. Loại Quế này mọc và trồng nhiều tại các tỉnh Quảng đông, Quảng tây, Vân nam Trung quốc, ta cũng có loại quế này thuộc loại Quế tốt thứ hai trên thế giới sau loại quế quan của Xirilanca.

+ Ở nước ta có nhiều loại quế khác như Quế thanh hóa (Cinamomum loureirii Nees) cũng là loại Quế tốt, Cinamomum burmannii Blume còn có tên là Trèntrèn, cây Quế rành. Trung quốc dùng với tên Quế bì, Sơn nhục quế, Cinnamomum caryophyllus Moore (cũng gọi là Quế rành) mọc ở cả 2 miền Nam Bắc, Cinnamomum tetragonum A chev có tên là Quế đỏ.

Bảo quản:

+ Để nơi khô ráo, tránh ẩm, mốc , mọt.

4. Thành phần:

+ Hàm lượng tinh dầu trong vỏ quế khá cao (1,0-4,0%), còn trong lá và cành non thường thấp (0,3-0,8%). Tinh dầu từ vỏ có màu vàng nâu nhạt, sánh, vị cay, thơm, ngọt, nóng, nặng hơn nước; với thành phần chính là (E)-cinnamaldehyd (70-95%); ngoài ra còn khoảng 100 hợp chất khác. Tinh dầu từ lá quế thường có màu nâu đậm và thành phần chủ yếu cũng là(E)¬cinnamaldehyd (60-90%). Hàm lượng (E)-cinnamaldehyd quyết định chất lượng của tinh dầu quế. Tinh dầu quế thương phẩm trên thị trường thế giới đòi hỏi hàm lượng (E)-cinnamaldehyd trong khoảng 75-95% (ISO: >80% (E)-cinnamaldehyd). Ngoài tinh dầu, trong vỏ quế còn chứa tanin, chất nhựa, đường, calci oxalat, coumarin và chất nhầy…

5. Tính vị - quy kinh:

Tính vị: 

+ Vị  cay, ngọt và tính nóng.

Quy kinh: 

+ Vào kinh thận, tỳ, tâm và can.

6. Tác dụng - chủ trị:

Tác dụng dược lý:

+ Trên súc vật thực nghiệm, thuốc mà chủ yếu là cinnamaldehyde có tác dụng ức chế trung khu thần kinh, an thần, giảm đau và giải nhiệt. Cinnamaldehyte còn có tác dụng làm giảm co giật và tử vong đối với súc vật do tiêm quá liều strychnine.

+ Dầu vỏ quế là thuốc thơm kiện vị trừ phong, có tác dụng kích thích nhẹ dạ dày và ruột. Thuốc có tác dụng tăng tiết nước bọt và dịch vị tăng cường chức năng tiêu hóa, làm giảm co thắt cơ trơn nội tạng, làm dịu cơn đau bụng do co thắt ruột. Cinnamaldehyt còn có tác dụng ức chế sự hình thành lóet bao tử ở chuột do kích thích.

+ Tác dụng lên hệ tim mạch: nước sắc Nhục quế làm tăng lưu lượng máu động mạch vành tim cô lập của chuột lang, cải thiện được thiếu máu cơ tim cấp của thỏ do pituitrin gây nên.

+ Tác dụng kháng khuẩn: trên ống nghiệm, Nhục quế có tác dụng ức chế mạnh đối với nhiều loại vi khuẩn gram (+), mạnh hơn đối với gram (-), ức chế cả đối với nấm gây bệnh.

Tác dụng:

+ Ấm dạ dày, trừ lạnh, bổ trung ích khí, hoạt huyết thư cân, giải biểu thông mạch, sát khuẩn giảm đau.

    Chủ trị:

    + Ðau dạ dày và đau bụng, tiêu chảy.

    + Choáng, cảm lạnh, buốt các ngón tay chân.

    + Ho hen, đau khớp và đau lưng.

    + Bế kinh, thống kinh.

    + Huyết áp cao, tê cóng.

    7. Kiêng kỵ:

    + Âm hư, nội nhiệt không dùng.

    + Phụ nữ có thai dùng với sự chỉ dẫn của thầy thuốc.

    8. Một số cách dùng thông dụng:

    + Trị đau bụng tiêu chảy kéo dài do thận dương hư, tỳ vị hư hàn hoặc tỳ thận dương hư: - Tam khí đơn: Nhục quế 3g, Lưu hoàng 3g, Hắc phụ tử 10g, Can khương 3g, Chu sa 2g, chế thành viên, mỗi lần uống 3g ngày 2 lần với nước sôi ấm. Trị chứng nôn ỉa nhiều, quyết nghịch hư thóat.

    - Quế linh hoàn: Nhục quế 3g, Mộc hương 3g, Can khương 5g, Nhục đậu khấu, Chế phụ tử đều 9g, Đinh hương 3g, Phục linh 9g, chế thành hoàn mỗi lần uống 8g, ngày 2 - 3 lần với nước ấm. Trị đau bụng tiêu chảy do tỳ thận dương hư.

    Trị viêm thận mạn, phù thũng do dương khí hư chân tay lạnh, tiểu ít chân phù: Tế sinh Thận khí hoàn (Tế sinh phương): Can địa hoàng 15g, Sơn dược 12g, Sơn thù 6g, Phục linh, Đơn bì, Trạch tả đều 12g, Nhục quế 4g, Phụ tử 10g, Xuyên Ngưu tất 12g, Xa tiền tử 15g, luyện mật làm hoàn. Mỗi lần uống 15g, ngày uống 2 - 3 lần.

    + Trị chứng bụng đau, phụ nữ có kinh đau bụng do hư hàn: Nhục quế tán bột mịn, mỗi lần uống 3 - 4g với nước ấm hoặc rượu càng tốt.

    Lý âm tiễn: Thục địa 16g, Đương qui 12g, Nhục quế 5g, Can khương 5g, Cam thảo 4g, sắc uống. Trị phụ nữ đau bụng kinh.

    + Trị đau thắt lưng: Châu Quảng Minh dùng bột Nhục quế trị đau lưng do thận dương hư 102 ca, gồm có viêm cột sống do phong thấp, viêm cột sống dạng thấp, đau do chấn thương và đau lưng chưa rõ nguyên nhân. Mỗi lần uống 5g ngày 2 lần, liệu trình 3 tuần. Tỷ lệ có kết quả 98%. Những ca có xương tăng sinh chụp lại X quang đều không thay đổi nhưng đau giảm hoặc hết. Uống thuốc có tác dụng phụ là khô mồm, táo bón (Tạp chí Trung tây y kết hợp 1984,2:115).

    + Trị vảy nến, mề đay: Truyền thế Trân dùng chất chiết xuất của Nhục quế trị 19 ca vẩy nến và 23 ca mề đay, mỗi lần uống 25 - 50mg (1 - 2 viên) ngày uống 3 lần, đối với vẩy nến uống liên tục 4 - 8 tuần, mề đay sau khi hết uống tiếp 5 -14 ngày. Kết quả: Vẩy nến 19 ca khỏi 7 ca, kết quả tốt 2 ca, tiến bộ 7 ca, không kết quả 3 ca, tỷ lệ kết quả 84,1%.
    Mề đay 23 ca, khỏi 11 ca, tốt 9 ca, tiến bộ 1 ca, không kết quả 2 ca, tỷ lệ kết quả 91,2% (Học báo Y học viện Hà nam 1981,2:385).

    + Trị nhiễm độc phụ tử: Theo kinh nghiệm dân gian, tác giả đã dùng Nhục quế trị nhiễm độc Phụ tử cấp. Dùng Nhục quế 5-10g ngâm nước uống, sau khi uống 5-15 phút, bệnh nhân nôn, sau 15-30 phút các triệu chứng giảm. Nếu không giảm tiếp tục uống 3-5g cách uống như trên. Theo báo cáo của bệnh nhân, sau khi uống thuốc 15-30 phút, có cảm giác tim đập mạnh hơn, chân tay ấm lại, cảm giác tê ở môi lưỡi và chân tay giảm dần (Báo Tân Trung y 1987, 5:53).