Nhục Thung Dung

Thương hiệu: Đang cập nhật

Tình trạng: Còn hàng

Liên hệ
  1. Nhục Thung Dung: (Herba Cistanches ) + Tên khác: Nhục thung dung còn gọi là Thung dung, Đại vân, Hắc tư lệnh (vì có tác dụng bổ thận mạnh), Nhục tùng dung (肉松蓉),Tung dung (纵蓉),Địa tinh (地精- nghĩa là tinh chất của đất), Kim duẩn (金笋 - cây măng vàng),Đại vân (大芸). + Cây thuốc: Nhục thung dung không phải là một loài thực vật thông thường, mà là loài ký sinh, phải sống nhờ vào cây khác. Mùa xuân đến, mầm cây nhục thung dung đâm thủng mặt đất, mọc nhô lên trên, nhìn giống như một cái chày với đầu hơi nhọn, bên ngoài phủ kín lớp lá vẩy màu vàng, lóng lánh...

 

1. Nhục Thung Dung: (Herba Cistanches )

+ Tên khác: Nhục thung dung còn gọi là Thung dung, Đại vân, Hắc tư lệnh (vì có tác dụng bổ thận mạnh), Nhục tùng dung (肉松蓉),Tung dung (纵蓉),Địa tinh (地精- nghĩa là tinh chất của đất), Kim duẩn (金笋 - cây măng vàng),Đại vân (大芸).

+ Cây thuốc: Nhục thung dung không phải là một loài thực vật thông thường, mà là loài ký sinh, phải sống nhờ vào cây khác. Mùa xuân đến, mầm cây nhục thung dung đâm thủng mặt đất, mọc nhô lên trên, nhìn giống như một cái chày với đầu hơi nhọn, bên ngoài phủ kín lớp lá vẩy màu vàng, lóng lánh dưới ánh nắng mặt trời. Cây thường cao khoảng từ 15-30cm, có khi tới hàng mét. Vào các tháng 5, tháng 6 cây ra hoa dày đặc; hoa mọc ra từ chóp (phần ngọn), màu vàng nhạt, hình chuông, xẻ 5 cánh, cánh hoa màu xanh hoặc tím nhạt; tới các tháng 6, tháng 7 kết quả, nhỏ li ti, màu xám. Nhờ có lớp lá vẩy phủ kín toàn bộ bề mặt bên ngoài nên tránh bị mất nước và có thể chịu đựng được điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở vùng hoang mạc.

+ Dược liệu: Vị thuốc Nhục thung dung là thân rễ hình trụ, tròn, dẹp, hơi cong, dài 16 – 33cm, đường kính 2 – 6cm. Mặt ngoài mầu nâu tro hoặc nâu, phủ đầy những lát vẩy, chất thịt béo, dầy, xếp giống như những mảnh ngói chồng lên nhau. Chất mềm, thể nặng. Mặt cắt ngang mầu nâu, có đốm hoa trắng hoặc có kẽ nứt. Mùi nhẹ, vị ngọt. Diêm Đại Vân: Mầu nâu đen, chất mềm. Mặt ngoài có bột muối. Mặt cắt ngang mầu đen. Vị mặn (Dược Tài Học).

+ Phân bố: Cây mọc chủ yếu trên núi cao ở các cây to râm mát. Cây có ở Trung Quốc, Nhật Bản, ở Việt Nam chưa thấy có.

+ Xuất Xứ: Trung Quốc.

+ Bộ phận dùng: Phần thân thịt thu vào mùa xuân, phơi khô trong nắng và cắt thành lát mỏng.

2. Thu hái - sơ chế:

+ Mùa xuân hoặc mùa thu đều thu hoạch được. Mùa xuân hái về, để trên đất cát phơi khô, gọi là Điềm Đại Vân. Mùa thu hái về, lựa thứ to mập, cho vào thùng muối, qua một năm lấy ra, phơi khô, gọi là Diêm Đại Vân.

3. Bào chế - bảo quản:

Bào chế:

+ Để nguyên củ, đồ chín, phơi hoặc sấy khô hoặc có thể tẩm muối rồi phơi, sấy khô. Khi dùng, rửa sạch, thái lát khoảng 1-2mm, phơi khô. Có thể đồ mềm cho dễ thái (Dược Liệu Việt Nam).

+ Thái phiến, trộn ngâm với rượu, bổ bỏ lõi trắng nếu có, đồ hoặc hấp để dùng (Đông Dược Học Thiết Yếu).

+ Nhục thung dung: Lấy Điềm Đại Vân, bỏ tạp chất, ngâm nước hoặc lấy Diêm Đại Vân cho vào nước rửa sạch phần muối, vớt ra, sau khi thấm mềm đều, cắt dọc thành lát, phơi khô (Dược Tài Học).

Bảo quản:

+ Để nơi khô ráo, thoáng gió, đựng trong lọ có vôi hút ẩm.

4. Thành phần:

+ Nhục thung dung có chứa các chất như: boschnaloside, orobanin, 8- epilogahic axít, betaine, nhiều loại axít hữu cơ và trên 10 axít amin.

+ Nhục thung dung hàm chứa lượng ít alkaloid và chất trung tính kết phẩm. Mê Nhục thung dung hàm chứa alkaloid (Trung dược đại từ điển)

5. Tính vị - quy kinh:

Tính vị:

+ Vị ngọt, hơi ôn (Bản Kinh).

+ Vị chua, mặn, không độc (Danh Y Biệt Lục).

+ Vị ngọt, mặn, hơi cay, chua, tính hơi ôn (Cảnh Nhạc Toàn Thư).

+ Vị ngọt, mặn, tính ôn (Trung Dược Học).

+ Vị ngọt, mặn, chua, tính hơi ôn (Đông Dược Học Thiết Yếu).

+ Vị ngọt, chua, mặn, tính ấm (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Quy kinh:

+ Vào kinh Thận, Tâm bào lạc, Mệnh môn (Bản Thảo Kinh Sơ).

+ Vào kinh túc Quyết âm Can kinh, túc Thiếu âm Thận kinh, thủ Dương minh Đại trường kinh (Bản Thảo Kinh Giải).

+ Vào kinh Thận, Đại trường (Trung Dược Học).

+ Vào kinh Can, Thận (Đông Dược Học Thiết Yếu).

6. Tác dụng - chủ trị:

Tác dụng dược lý:

+ Những chất này có tác dụng kiềm chế quá trình lão suy và kéo dài tuổi thọ, tăng thể lực, tăng cường khả năng miễn dịch, có tác dụng hạ huyết áp ở mức độ nhất định và có tác dụng như một loại hoóc-môn sinh dục. Ngoài ra còn có khả năng kích thích, điều tiết hoạt động của tuyến thượng thận, khắc phục tình trạng chức năng tuyến thượng thận bị suy giảm và dẫn tới các bệnh liên quan.

+ Chất chiết ngâm cồn loãng Nhục thung dung cho vào nước uống nuôi chuột lớn còn nhỏ, thể trọng tăng nhanh so với tổ đối chiếu. Thí nghiệm thuốc ngâm nước, ethanol – dịch chiết ngâm nước và dịch chiết ngâm ethanol vào động vật gây mê như chó, thỏ v.v…, chứng minh có tác dụng giáng áp.

+ Nhục thung dung có tác dụng xúc tiến phân tiết nước bọt và tê liệt hô hấp, thành phần xúc tiến phân tiết nước bọt là lọai chất dạng Organic acid, thành phần tê liệt hô hấp khả năng là Glycosides (Trung dược đại từ điển).

+ Điều trị u cơ tử cung có hiệu quả rõ rệt. Theo các nghiên cứu hiện đại, nhục thung dung có hàm chứa chất kiềm sinh vật và các chất trung tính kết tinh. Có các kích thích tố có tác dụng kích thích tính dục; có tác dụng hạ huyết áp, trợ tim, giãn động mạch cơ tim, tăng cường sức đề kháng của cơ thể, kích thích tiết nhiều nước bọt.

+ Tác dụng hạ áp (theo tài liệu: Trích yếu báo cáo luận văn năm 1956, tập 2, Viện khoa học Y học Trung quốc xuất bản 70,1956).

+ Làm tăng nước dãi (nước miếng) của chuột nhắt (theo tài liệu: Trích yếu văn kiện nghiên cứu Trung dược do NXB Khoa học xuất bản năm 1965 (14).


 

Tác dụng:

+ Ích tinh, kéo dài tuổi thọ, đại bổ, tráng dương, trị đàn bà băng huyết (Dược Tính Bản Thảo).

+ Bổ Mệnh môn tướng hỏa, tư nhuận ngũ tạng, ích tủy cân, hoạt đại tiện (Bản Thảo Bị Yếu).

+ Nhuận ngũ tạng, trưởng cơ nhục, ấm lưng gối (Nhật Hoa Tử Bản Thảo).

+ Bổ thận dương, ích tinh huyết, nhuận trường, thông tiện (Trung Dược Học).

+ Tư bổ Thận dương, thông nhuận đường ruột (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Chủ trị:

+ Trị 5 chứng lao, 7 chứng thương tổn, bổ trung, dưỡng ngü tạng, cường âm, ích tinh khí, sinh nhiều con, trị chứng trưng hà, làm khỏe người (nếu uống lâu dài) (Bản Kinh) trị các chứng nam tử tuyệt dương bất hứng, nữ tử tuyệt âm bất sản, nam tử tiết tinh, niệu huyết di lịch, nữ tử đái hạ âm thống (Nhật Hoa Tử Bản Thảo).

+ Trị ngũ lao thất thường, tuyệt dương bất hứng, tuyệt âm bất sản, yêu tất lãnh thống, băng đới, di tinh (Bản Thảo Bị Yếu).

+ Trị liệt dương, vô sinh, táo bón (Đông Dược Học Thiết Yếu).
 

7. Kiêng kỵ:

+ Vị thuốc kỵ sắt (Bản Thảo Mông Thuyên).

+ Tiêu chảy: Không dùng (Bản Thảo Kinh Sơ).

+ Thận và Mệnh môn có hỏa uất, bàng quang có thấp nhiệt, dương vật cương cứng, tinh quan không vững: Không dùng (Bản Thảo Hối Ngôn).

+ Vị trường hư yếu: Không dùng (Dược Phẩm Hóa Nghĩa).

+ Tỳ hư, thận hỏa vượng: không dùng (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

+ Trong thận có nhiệt, dương sự dễ cương mà tinh không bền: Không dùng (Đông Dược Học Thiết Yếu).

8. Một số cách dùng thông dụng :

+ Trị chứng liệt dương do thận hư, lưng gối lạnh đau, phụ nữ vô sinh: Nhục thung dung hoàn: Nhục thung dung 16g, Viễn chí 6g, Xà sàng tử 12g, Ngũ vị tử 6g, Ba kích thiên, Thỏ ty tử, Đỗ trọng, Phụ tử, Phòng phong, mỗi thứ 12g, tán bột mịn, luyện mật làm hoàn, mỗi lần uống 12 - 20g, ngày 2 lần, uống với rượu ấm hoặc nước muối nhạt.

+ Trị suy nhược thần kinh (kinh nghiệm của Diệp quất Tuyền): Nhục thung dung 10g, Sơn thù 5g, Thạch xương bồ 4g, Phục linh 6g, Thỏ ty tử 8g, nước 600ml, sắc còn 200ml, chia làm 3 lần uống trong ngày, uống nóng.

+ Trị táo bón ở người lớn tuổi do khí huyết hư: Nhục thung dung nấu với thịt heo, uống hoặc gia thêm các vị thuốc như Đương qui, Sinh địa, Ma nhân như bài: Nhục thung dung nhuận trường thang: Nhục thung dung 20g, Đương qui 16g, Sinh địa 12g, Bạch thược 12g, Hỏa ma nhân 12g, sắc nước uống. Nhục thung dung nhuận trường hoàn: Nhục thung dung 24g, Ma nhân 12g, Trầm hương 2g, tán bột mịn làm hoàn với mật ong, mỗi lần uống 12 - 20g, ngày uống 2 lần.

+ Chữa rối loạn cương dương, liệt dương, yếu sinh lý: Nhục thung dung 200g, thục địa 100g, huỳnh tinh 100g, kỷ tử 50g, sinh địa 50g, dâm dương hoắc 50g, hắc táo nhân 40g, quy đầu 50g, xuyên khung 30g, cam cúc hoa 30g, cốt toái bổ 40g, xuyên ngưu tất 40g, xuyên tục đoạn 40g, nhân sâm 40g, hoàng kỳ 50g, phòng đảng sâm 50g, đỗ trọng 50g, đơn sâm 40g, trần bì 20g, đại táo 30 quả, lộc giác giao 40g, lộc nhung 20g.

Trong đó: thục địa, nhục thung dung, huỳnh tinh, kỷ tử: bổ thận sinh tinh; lộc nhung, lộc giác giao: bổ tinh huyết; nhân sâm, đảng sâm, hoàng kỳ, đan sâm: bổ khí, tăng cường sức khỏe; đương quy, xuyên khung: dưỡng huyết; sinh địa, táo nhân: dưỡng huyết, an thần. Các vị thuốc khác có tác dụng hỗ trợ bổ thận cường dương, sinh tinh huyết. Bài thuốc này còn chữa bệnh rối loạn dương cương, liệt dương, yếu sinh lý rất hay. Thuốc này dùng để ngâm rượu uống.


 

+ Chữa yếu sinh lý, vô sinh ở nam: Nhục thung dung 200g, hoàng kỳ 400g, đương quy 240g, thạch hộc 240g, nhân sâm 200g, thỏ ty tử 200g, mạch môn 160g, hoài sơn 160g, đỗ trọng 160g, sơn thù 160g, kỷ tử 160g, tỏa dương 160g, sa uyển tật lê 160g, xuyên tục đoạn 120g, xuyên ba kích 120g, ngũ vị tử 80g, hồ lô ba 640g, hồ đào nhục 480g, cật dê 12 cái, cật heo 12 cái. Cật dê và cật heo hấp chín thái mỏng phơi thật khô, tất cả các vị đều tán bột, dùng mật thắng thành châu làm hoàn mỗi hoàn 10g, ngày uống từ 3 - 4 hoàn.

Trong đó: hoàng kỳ, nhân sâm bổ khí tăng cường sinh lực; thỏ ty tử, nhục thung dung, kỷ tử, tỏa dương, ba kích bổ thận cường dương sinh tinh; thạch hộc, sơn thù, ngũ vị tử, hồ lô ba, hồ đào nhục, xuyên tục đoạn bổ thận âm nuôi dưỡng tinh huyết; mạch môn, sa uyển tật lê dưỡng phế sinh tân dịch; cật dê, cật heo kích thích sinh tinh.

+ Trị các trường hợp tiểu dắt, di niệu: Nhục thung dung 250g, sơn dược 100g. Sao nhỏ lửa cho khô giòn, tán thành bột mịn. Mỗi lần uống 6g, uống với mật ong.

+ Trị các trường hợp thận hư liệt dương: Nhục thung dung 30g, rượu trắng 500ml. Ngâm 7 ngày. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 chén con.

+ Trị tân dịch hao tổn sinh ra đại tiểu tiện bí: Nhục thung dung 24g, hoạt ma nhân 12g, trầm hương 20g. Các vị nghiền bột mịn, luyện với mật làm hoàn. Ngày 2 lần, mỗi lần 12 – 20g, uống với nước.

+ Trị thận hư, liệt dương, lưng và gối đau buốt: Nhục thung dung 16g, viễn chí 6g, sà sàng tử 12g, ngũ vị tử 6g, ba kích thiên 12g, thỏ ty tử 12g, đỗ trọng 12g, phụ tử 12g, phòng phong 12g. Các vị nghiền bột mịn, luyện với mật làm hoàn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 12 – 20g, chiêu với rượu ấm hoặc nước muối.