Sinh Khương (Gừng Tươi)

Thương hiệu: Đang cập nhật

Tình trạng: Còn hàng

Liên hệ
1. Sinh Khương: ( Zingiber offcinale Roscoe) + Tên khác: Gừng, Bạch khương, Quân khương (Bản Thảo Cương Mục), Bào khương, Hắc khương, Thánh khương, Đạm can khương (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).  + Cây thuốc:  Cây thảo sống lâu năm, cao khoảng 1m. Thân rễ mọc phình lên thành củ, khi gìa thì có xơ. Lá không cuống, mọc cách nhau, hình mũi mác, dài tới 20cm, rộng 2cm, bẹ nhẵn, lưỡi bẹ nhỏ dạng màng. Cán hoa dài khoảng 20cm, mọc từ gốc, nó nhiều vẩy lợp lên. Cụm hoa dạng trứng, dài 5cm, rộng 2-3cm, lá bắc hình trái...

1. Sinh Khương: ( Zingiber offcinale Roscoe)

+ Tên khác: GừngBạch khương, Quân khương (Bản Thảo Cương Mục), Bào khương, Hắc khương, Thánh khương, Đạm can khương (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển). 

+ Cây thuốc:  Cây thảo sống lâu năm, cao khoảng 1m. Thân rễ mọc phình lên thành củ, khi gìa thì có xơ. Lá không cuống, mọc cách nhau, hình mũi mác, dài tới 20cm, rộng 2cm, bẹ nhẵn, lưỡi bẹ nhỏ dạng màng. Cán hoa dài khoảng 20cm, mọc từ gốc, nó nhiều vẩy lợp lên. Cụm hoa dạng trứng, dài 5cm, rộng 2-3cm, lá bắc hình trái xoan, màu lục nhạt, có mép vàng. Đài có 3 răng ngắn. Tràng có ống dài gấp đôi đài, có 3 thùy hẹp nhọn, 1 nhị. Nhị lép không có hoặc tạo thành thùy bên của cánh môi. Cánh môi màu vàng, viền thêm màu tía, dài 2cm, rộng 1,5cm, chia thành 3 thùy tròn, các thùy bên ngắn hơn. Bầu nhẵn, nhụy lép dạng sợi. Có hoa vào mùa hè và mùa thu.

- Cần phân biệt với cây Gừng gió, Gừng dại (Zingiber zerumbet (Linn) Sm) là cây thảo cao 1m hay hơn, có thân rễ dạng củ, phân nhiều nhánh, lúc non màu vàng và thơm, lúc gìa màu trắng và đắng. Lá không có cuống mọc sít nhau, nhẵn ở mặt trên, có vài lông rải rác ở mặt dưới, dài tới 20cm, rộng 5cm, bẹ có nhẵn, lá kèm nguyên, tròn dễ gẫy.

- Cán hoa khá mập, dài 20-30cm, các vẩy không lợp lên nhau. Cụm hoa hình trứng, có khi hình trụ rộng 4cm, lá bắc lợp lên nhau, áp sát nhau, hình mắt chim, thường có màu lục, khi gìa màu hồng. Đài màu trắng, chẻ thành mo, cao 1,2cm. Tràng có ống dài 2cm, các thùy hẹp, màu trắng, 1 nhị. Nhị lép làm thành các thùy bên của cánh môi. Cánh môi màu vàng nhạt, có 3 thùy. Quả nang hình bầu dục, chia 3 ô, mỗi ô chứa một hạt đen có áo hạt mềm màu trắng.

- Cây ra hoa vào mùa thu, mọc hoang dại trong rừng ở nhiều nơi khắp nước ta, được trồng dùng làm thuốc kích thích, thuốc bổ và lọc máu cho phụ nữ sau khi sinh đẻ.

+ Dược liệu: Thân rễ gừng khô là loại Gừng lây năm càng tốt có dạng ngón tay phẳng dẹt phân nhánh, có đốt rõ ràng vỏ ngoài màu xám trắng hoặc xám vàng nhăn teo. Đỉnh có vết rễ và vết mầm chất cứng giòn mặt cắt có chất xơ. Loại to, gìa, khô, củ chắc, vỏ sắc màu vàng nhợt ít nhăn, sạch rễ con, thịt trong vàng đậm là tốt. Thứ mốc vụn nát, ruột đen thối là xấu.

+ Phân bố: Gừng là loại cây gia vị cổ điển được trồng ở nhiều nước trong vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, từ Đông Á đến Đông Nam Á và Nam Á. Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản là những nước trồng nhiều gừng nhất thế giới.

Ở Việt Nam, gừng được trồng từ thế kỷ thứ II trước Công Nguyên. Hiện nay, cây được trồng ở khắp các địa phương, từ vùng núi cao đến đồng bằng và ngoài các hải đảo.

Gừng trồng trong nhân dân hiên nay cũng có nhiều giống. Loại “gừng trâu” có thân to, củ to thường để làm mứt, có nhiều ở các vùng núi thấp, như Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Tuyên Quang…Loại “gừng gié” có thân và củ đều nhỏ, nhưng rất thơm. Loài này cũng gồm 2 giống. Giống củ nhỏ có màu hồng tía ở phần củ non, thường được đồng bào dân tộc trồng ở vùng cao, như ở các huyện phía bắc tỉnh Hà Giang; Sìn Hồ (Lai Châu); Sa Pa, Bát Xát (Lào Cai)…Theo nhân dân địa phương, giống gừng này chịu được khí hậu lạnh kéo dài trong mùa đông. Cây trồng trên nương ít cần chăm sóc. Còn giống gừng củ nhỏ màu vàng ngà, được trồng phổ biến ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và ở phía nam.

Như vậy, đặc điểm sinh thái riêng của các giống gừng tùy thuộc vào diều kiện vùng trồng. Đặc điểm chung nhất của chúng là cây ưa ẩm, ưa sáng và có thể hơi chịu bóng (gừng trâu). Cây trồng thường có hoa ở năm thứ hai. Chưa thấy cây có quả và hạt. Gừng trồng sau một năm nếu không thu hoạch sẽ có hiện tượng tàn lụi (phần trên mât đất) qua đông. Thời gian sinh trưởng mạnh của cây trùng với màu hè – thu nóng và ẩm.

+ Xuất xứ: Trung Quốc

+ Bộ phận dùng: Thân rễ (thường gọi là củ )- Rhizoma Zingiberis, có tên là Can Khương. Thân rễ, thu hái vào màu đông, dùng tươi là sinh khương, phơi hoặc sấy khô là can khương. Còn dùng tiêu khương (gừng khô thái lát dày, sao sém vàng, đang nóng, vẩy vào ít nước, đậy kín. Để nguội); bào khương (gừng khô đã bào chế); thán khương (gừng khô thái lát dày, sao cháy đen tồn tính). Có thể cất tinh dầu từ gừng với hiệu suất 1-2,7% hoặc điều chế nhựa dầu gừng từ bột gừng khô với các dung môi hữu cơ, hiệu suất 4,2 – 6,5%.

2. Thu hái - sơ chế:

+ Mùa đông đào lấy củ rễ những thân cây gìa, khi cây bắt đầu lụi, cắt bỏ lá và rễ con, rửa sạch  gọi là Sinh khương (Gừng tươi).

3. Bào chế - bảo quản:

Bào chế:

+ Theo Tây y:

- Dùng dưới dạng bột khô, liều dùng: 2 gam/1 ngày.

- Làm cồn thuốc cất (alcoclat de Fioravanti) để xoa bóp, ngoài da.

+ Theo kinh nghiệm Việt Nam:

- Rửa sạch đất, thái lát, dùng sống vào thuốc thang.

- Giã nát, ép lấy nước, sấy nhẹ cho khô tán bột; hoặc là giã nát, sấy nhẹ cho khô, tán bột nhỏ. Bột này dùng trong hoàn tán dùng chung hoặc dùng riêng với các thuốc khác.

- Gừng lùi (ổi khương): Lấy gừng tươi rửa sạch đất, lấy giấy bản bọc lại 1 – 2 lần, dấp nước vào giấy cho ướt, lùi vào tro nóng già khi cháy hết giấy, vỏ vàng sẫm là được. Gừng lùi làm thuốc ôn trung tán hàn, dùng với đại táo thì hay hành tân dịch của tỳ vị mà điều hòa dinh vệ. Dùng đến đâu làm đến đấy, thái lát mỏng hoặc giã nát.

Bảo quản:

+ Gừng tươi đã thái miếng nên dùng ngay.

4. Thành phần:

+ Gừng chứa 2-3% tinh dầu với thành phần chủ yếu là các hợp chất hydrocarbon sesquiterpenic: β-zingiberen (35%), ar-curcumenen (17%), β-farnesen (10%) và một lượng nhỏ các hợp chất alcol monoterpenic như geraniol, linalol, borneol.

+ Nhựa dầu chứa 20-25% tinh dầu và 20-30% các chất cay. Thành phần chủ yếu của nhóm chất cay là zingeron, shogaol và zingerol, trong đó gingerol chiếm tỷ lệ cao nhất.

+ Ngoài ra, trong tinh dầu Gừng còn chứa α-camphen, β-phelandren, eucalyptol và các gingerol.

5. Tính vị - quy kinh:

Tính vị:

+ Trung dược học: Cay, ấm.

+ Biêt lục: Vị cay, hơi ấm.

+ Thiên kim thực trị: Không độc.

+ Y học khải nguyên: Tính ấm, vị ngọt cay.

+ Y lâm tỏan yếu: Ổi khương, cay đắng, đại nhiệt.

+ Bản thảo tái tân: Ổi khương, vị cay, tính ấm bình, không độc.

Qui kinh:

+ Trung dược học: Vào kinh Phế, Tỳ, Vị.

+ Lôi Công bào chế dược tính giải: Vào 4 kinh Phế, Tâm, Tỳ, Vị.

+ Bản thảo hối ngôn: Vào các kinh Tỳ, Phế, Trường, Vị.

+ Bản thảo kinh giải: Vào kinh Đởm, Can, Phế.

6. Tác dụng - chủ trị:

Tác dụng dược lý:

+ Cineol trong Gừng có tác dụng kích thích khi sử dụng tại chỗ và có tác dụng diệt khuẩn trên nhiều vi khuẩn.

+ Sinh khương có thể xúc tiến phân tiết dịch tiêu hóa, bảo hộ niêm mạc bao tử, có tác dụng chống lóet, bảo hộ gan, lợi mật, chống viêm, giải nhiệt, chống khuẩn, giảm đau, chống ói. Chất chiết cồn của nó có thể hưng phấn trung khu vận động mạch máu, trung khu hô hấp, tim. Người bình thường nhai Sinh khương, có thể tăng huyết áp.

+ Dịch ngâm nước Sinh khương có tác dụng sát trùng bất đồng trình độ đối với trực khuẩn thương hàn, vi khuẩn phẩy hoắc lọan, khuẩn nấm T.violaceum, trùng roi âm đạo, và có tác dụng ngăn ngừa trùng hút máu nở trứng và têu diệt trùng hút máu (Trung dược học).

Tác dụng:

+ Tăng tiết mồ hôi và giải biểu.

+ Làm ấm tỳ và vị và giảm nôn

+ Làm ấm phế và giảm ho.

+ Giải độc Bán hạ, Nam tinh và cua cá, thịt chim thú.

Chủ trị:

+ Sinh khương cùng dùng với Hồng táo, có thể điều hòa vinh vệ bên ngoài, mà trị phong tà ở kinh Thái dương, ở trong điều hòa tỳ vị, giúp cho chính khí ở trung tiêu.

+ Sinh khương gĩa lấy nước cốt có thể chữa các chứng vị nghịch, nôn ọe ra nước trong.

+ Sinh khương cay tán, có thể điều hòa ngũ vị, dùng thêm làm gia vị nấu nướng, giải được độc trong ăn uống, kích thích ăn ngon miệng.

+ Sinh khương cay ổn, ôn hóa được đàm ẩm, (uống nước tích lại sinh đờm một trong các chứng thủy ẩm), chữa ho suyễn, vả lại tính hay đi ngang, nên có thể chữa được chứng thủy thũng, bụng trướng.

7. Kiêng kỵ:

+ Không dùng vị thuốc này khi âm suy kìm vượng nhiệt bên trong.

+ Sinh khương trợ hỏa thương âm, cho nên người nhiệt thịnh và âm hư nội nhiệt kỵ uống. (Trung dược học)

+ Ăn gừng lâu, tích nhiệt mắt bệnh. Phàm người bệnh trĩ ăn nhiều kiêm rượu, lập tức phát bệnh nhanh. Người ung nhọt ăn nhiều thì sinh ác nhục. (Sách cương mục)

+ Uống lâu tổn âm thương mắt, âm hư nội nhiệt, âm hư ho thổ huyết, biểu hư có nhiệt ra mồ hôi, tự ra mồ hôi, đổ mồ hôi trộm, tạng độc hạ huyết, do nhiệt nôn lợm, đau bụng hỏa nhiệt, theo phép đều kiêng vậy. (Bản thảo kinh sơ)

+ Nội nhiệt âm hư, mắt đỏ bệnh hầu, đau nhọt chứng huyết, ói ỉa có hỏa, thử nhiệt thời chứng, nhiệt hao (hen) đại suyễn, thai sản sa trướng và sau thời bệnh, sau sa đậu đều kị vậy. (Tùy tức cư ẩm thực phổ)

+ Bệnh nhân huyết áp cao không nên dùng gừng (vì gừng có tác dụng làm tăng huyết áp)

8. Một số cách dùng thông dụng:

+ Trị cảm mạo phong hàn: Sinh khương 5 lát, Tử tô diệp 1 lượng. Sắc nước uống (Bản thảo hối ngôn).

+ Trị ho đàm lạnh: Sanh khương 2 lượng, Dương đường (đường kẹo mạch nha) 1 lượng. Nước 3 chén, sắc còn nửa chén, ấm và thong thả uống (Bản thảo hối ngôn).

+ Trị hoắc lọan tâm bụng trướng đau, phiền đầy ngắn hơi, chưa được thổ hạ: Sinh khương 1 cân. Cắt, dùng nước 7 thăng, nấu lấy 2 thăng, phân làm 3 lần uống (Trửu hậu phương).

+ Trị trúng khí hôn quyết, cũng có đàm bế: Sinh khương 5 chỉ, Trần bì, Bán hạ, Mộc hương đều 1,5 chỉ, Cam thảo 8 phân. Sắc nước uống, lúc uống thêm đồng tiện (nước tiểu bé trai) 1 chén (Bản thảo hối ngôn).

+ Trị rét lạnh thời hành: Sinh khương 4 lượng, Bạch truật 2 lượng, Thảo quả nhân 1 lượng. Nước 5 chén to, sắc đến 2 chén, lúc chưa phát uống sớm (Bản thảo hối ngôn).

+ Trị đầu hói:  Sinh khương giã nát, làm nóng, đắp lên đầu, độ 2, 3 lần (Quý Châu Trung y nghiệm phương).

+ Trị trăm lọai trùng vào tai: Nước gừng chút ít nhỏ vậy (Dị giản phương).

+ Trị đái dầm ở trẻ nhỏ: Gừng tươi 30g, Bào phụ tử 6g, Bổ cốt chi 12g, đắp rốn, điều trị 25 ca trẻ con đái dầm, đều thu hiệu quả tốt (Tạp chí Trung y Triết Giang, 1984;(2): Phong Tam).

+ Phòng say xe: Giã nhỏ gừng tươi một lượng vừa đủ, đắp bên ngoài huyệt nội quan, dùng vải quấn chặt khi đi xe có tác dụng phòng ngừa say xe (Y học đại chúng, 1980,(9):7).

+ Chữa bỏng lửa nước: Lấy Gừng tươi ép nước dùng ngòai, điều trị vết thương bỏng lửa nước, bất luận mụt nước đã vỡ, chưa vỡ đều có hiệu quả (Tân Trung y, 1984,(2):22).

+ Chữa chai cứng sau khi tiêm vào mông: Gừng tươi mới bỏ vỏ, cắt thành miếng mỏng 1 ~ 2 mm, đắp ngòai trực tiếp vào chổ kết cứng (xơ cứng), mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 1 ~ 2 giờ đồng hồ, phối hợp điều trị vật lý, điều trị 30 ca kết cứng sau khi tiêm vào mông, thu được hiệu quả điều trị khá tốt (Phép điều trị dân gian Trung Quốc, 2001, 9(2):63).

+ Chữa ngoại cảm, bụng trướng đầy, nôn mửa, ho: Gừng tươi rửa sạch, giã nhỏ, ngâm với rượu trắng, mỗi ngày dùng 2-5ml xoa vào bụng.

+ Dùng trị ho: Dùng gừng phối hợp với Chanh quả, củ Sả, mỗi thứ 10g, thái nhỏ ngâm với 5g muối và xirô đơn (vừa đủ 100ml) trong 3 ngày rồi dùng vải vắt kiệt lấy nước, đựng trong lọ kín. Dùng uống trị ho, ngày 2 lần, mỗi lần 1-2 thìa canh. Trẻ em dùng bằng nửa liều người lớn.

+ Chữa lạnh chân tay, cước chân tay vào mùa đông: Rễ lá lốt, gừng tươi đun nước ngâm chân, có thể cho thêm ít muối khi ngâm.

+ Dùng trà gừng cho trường hợp bị tụt huyết áp: Gừng tươi cạo vỏ, rửa sạch, xay nhuyễn, đem nấu với đường kính. Cho vào lọ thủy tinh dùng dần. Khi bị tụt huyết áp, cảm lạnh có thể pha với nước ấm để uống.