Thạch Xương Bồ (Thủy Xương Bồ)

Thương hiệu: Đang cập nhật

Tình trạng: Còn hàng

Liên hệ
 1. Thạch Xương Bồ: (Rhizoma Acori graminei macrospadici). + Tên khác: Thủy kiếm thảo, Nham xương bồ,Xương bồ, Cửu tiết xương bồ, Thủy xương bồ. + Cây thuốc: Thạch xương bồ là cây cỏ, sống nhiều năm. Thân rễ phân nhánh, mọc bò ngang gồm nhiều đốt. Lá hình dải hẹp, có bẹ, mọc ốp vào nhau và xòe sang hai bên ở ngọn. Cụm hoa hình bông mọc ở đầu một cán dẹt, phủ bởi một lá bắc to và dài, nom như cụm hoa mọc trên lá. Quả mọng khi chín màu đỏ nhạt. Thân rễ và lá có mùi thơm đặc biệt.  + Dược...

 1. Thạch Xương Bồ: (Rhizoma Acori graminei macrospadici).

+ Tên khác: Thủy kiếm thảo, Nham xương bồ,Xương bồ, Cửu tiết xương bồ, Thủy xương bồ.

+ Cây thuốc: Thạch xương bồ là cây cỏ, sống nhiều năm. Thân rễ phân nhánh, mọc bò ngang gồm nhiều đốt. Lá hình dải hẹp, có bẹ, mọc ốp vào nhau và xòe sang hai bên ở ngọn. Cụm hoa hình bông mọc ở đầu một cán dẹt, phủ bởi một lá bắc to và dài, nom như cụm hoa mọc trên lá. Quả mọng khi chín màu đỏ nhạt. Thân rễ và lá có mùi thơm đặc biệt. 

+ Dược liệu: Dùng rễ cái to, không dùng rễ con. Thứ khô, da màu nâu, mắt dày, ngắn , rắn, thơm, thịt hồng, không mốc mọt, vụn nát là tốt. Thứ đen, không thơm là xấu.

+ Phân bố: Cây Thạch xương bồ mọc hoang ở rừng núi, trên những tảng đá có nước chảy ở suối.

+ Xuất xứ: Trung Quốc.

+ Bộ phận dùng: Thân rễ phơi khô của cây Thạch xương bồ lá to- Acorus Gramineus Soland.,  họ Ráy ( Araceae).

2. Thu hái - sơ chế: Rễ củ đào vào đầu xuân, rửa sạch và phơi nắng. Khi dùng rễ tươi nên đào vào cuối hè.

3. Bào chế - bảo quản:

Bào chế: Theo kinh nghiệm Việt Nam nếu còn đất, rửa sạch, ủ một đêm, bào, phơi khô.

Bảo quản: Để nơi khô ráo, tránh ẩm, tránh nóng vì dễ mốc.

4. Thành phần:

Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam:

+ Thạch xương bồ có chừng 0,5 - 0,8 tinh dầu, trong tinh dầu có chừng 86% asaron, một ít chất phenol và acid béo.

+ Thủy xương bồ có 1,5 - 3,5% tinh dầu, trong đó thành phần chủ yếu cũng là asaron rồi đến asarylandehyt có glucozit đắng gọi là acorin và tanin.

Theo sách Chinese herbal medicine: thành phần chủ yếu của Thạch xương bồ có Beta-asaron, asaron, caryophyllene, ahumulene, sekishone.

5. Tính vị - quy kinh:

Tính vị: 

+ Thạch xương bồ vị cay tính ôn, qui kinh Tâm Vị

+ Theo các sách thuốc cổ:

- Sách Bản kinh: vị cay ôn.

- Sách Danh y biệt lục: không độc.

- Sách Dược tính bản thảo: vị đắng cay không độc.

Quy kinh: 

+ Sách Bản thảo cương mục: qui kinh Thủ thiếu âm, túc quyết âm.

+ Sách Lôi công bào chế dược tính giải: nhập 3 kinh Tâm tỳ bàng quang.

6. Tác dụng - chủ trị:

Tác dụng dược lý:

+ Thuốc sắc khử dầu đều có tác dụng an thần, tinh dầu có tác dụng gây ngủ. Thuốc sắc còn có tác dụng chống co giật. Dầu bay hơi của Thạch xương bồ làm giảm vận động của chuột và làm giảm tác dụng kích thích của Ephedrin đối với hệ thần kinh trung ương. Thuốc sắc làm kéo dài tác dụng của thuốc barbiturate.

+ Thuốc sắc và tinh dầu của thuốc đều có tác dụng làm giảm co thắt của cơ trơn dạ dày và ruột và làm tăng tiết đường tiêu hóa.

+ Nước sắc của thuốc hạ chế sự lên men quá mạnh của đường tiêu hóa.

+ Tinh dầu của thuốc có tác dụng hạ nhiệt đối với chuột trắng thí nghiệm.

+ Dịch chiết xuất nồng độ cao của thuốc có tác dụng ức chế nấm gây bệnh ngoài da.

Độc tính: Liều lượng lớn của thuốc gây co giật ở chuột và dẫn đến chết.

Tác dụng: Thông khiếu, thông khí, trục đờm, giải độc, sát trùng.

Chủ trị: Hôn mê, hoảng loạn do đàm trọc bế tắc (đàm trọc mông tê), hay quên (kiện vong), ù tai, điếc tai (nhĩ minh, nhĩ lung), báng đầy do thấp (thấp trở bỉ mãn), lî, cấm khẩu.

7. Kiêng kỵ: Âm hư, huyết hư kém, hoạt tinh, nhiều mồ hôi không nên dùng.

8. Một số cách dùng thông dụng:

+ Chữa ho đờm, ho khan, khò khè khó thở, ho đau tức ngực, đau rát họng, người mệt mỏi: Thạch xương bồ 12g, Bách bộ 20g, Trần bì 12g, Mạch môn 16g, Cát cánh 16g, Bạc hà 12g, Cam thảo 10g. Sắc uống ngày một thang.

+ Chữa đau nhức đỉnh đầu, 2 bên thái dương, nhiều lúc đau làm mờ 2 mắt: Thạch xương bồ 16g, Mạn kinh tử 20g, Cối xay 20g, Liên nhục 16g, Cây xấu hổ 16g, Lá vông 12g. Sắc uống mỗi ngày một thang.

+ Chữa các chứng mệt mỏi, ăn uống kém, khó ngủ, hồi hộp lo lắng khó thở, tim đập nhanh: Thạch xương bồ 16g, Lạc tiên (sao vàng) 16g, Toan táo nhân 20g, Bá tử nhân 20g, Sinh địa 20g, Đảng sâm 15g, Thiên môn 20g, Huyền sâm 15g, Mạch môn 20g, Bạch phục linh 15g, Đương quy 16g, Cát cánh 15g, Ngũ vị tử 16g, Đan sâm 16g, Viến chí 20g. Sắc uống ngày một thang.

+ Chữa kinh nguyệt không đều: Thạch xương bồ 8g, Đảng sâm 16g, Thục địa 12g, Ngải cứu 12g, Đương quy, Xuyên khung, Bạch thược, Ngô thù du, Trần bì mỗi vị 8g. Sắc uống mỗi ngày.