Tác dụng dược lý, tác dụng, chủ trị, kiêng kỵ của Bạch Truật

Đăng bởi CÔNG TY TNHH DƯỢC PHẨM BÁCH THÔNG vào lúc 07/08/2018

6. Tác dụng - chủ trị:

Tác Dụng Dược Lý:

+ Tác Dụng Bổ Ích Cường Tráng: Trên thực nghiệm thuốc có tác dụng làm tăng trọng chuột, tăng sức bơi lội, tăng khả năng thực bào của hệ thống tế bào lưới, tăng cường chức năng miễn dịch của tế bào, làm tăng cao IgG trong huyết thanh, có tác dụng tăng bạch cầu và bảo vệ gan, tăng sự tổng hợp Protêin ở ruột non (Trung Dược Ứng Dụng Lâm Sàng).

+ Tác Dụng Chống Loét: Nước sắc Bạch truật trên thực nghiệm chứng minh có tác dụng bảo vệ gan, phòng ngừa được sự giảm sút Glycogen ở gan (Trung Dược Học).

+ Ảnh Hưởng Đến Ruột: Đối với ruột cô lập của thỏ: lúc ruột ở trạng thái hưng phấn thì thuốc có tác dụng ức chế, ngược lại lúc ruột đang ở trong trạng thái ức chế thì thuốc có tác dụng hưng phấn. Tác dụng điều tiết 2 chiều đó của thuốc có liên quan đến hệ thống thần kinh thực vật, do đó Bạch truật có thể chữa được táo bón và tiêu chảy (Trung Dược Học).

+ Tác Dụng Đối Với Máu: Nước sắc và cồn Bạch truật đều có tác dụng chống đông máu, dãn mạch máu (Trung Dược Học).

+Tác Dụng Lợi Niệu: Bạch truật có tác dụng lợi niệu rõ và kéo dài, có thể do thuốc có tác dụng ức chế tiểu quản thận tái hấp thu nước, tăng bài tiết Natri (Học Báo Sinh Lý số 19 - 1, 24 (3-4): 227-237), nhưng có báo cáo kết quả chưa thống nhất (Trung Dược Học).

+ Bạch truật có tác dụng hạ đường huyết. Glucozid Kali Atactylat chiết từ Bạch truật có tác dụng chọn lọc trên đường huyết, đầu tiên gây tăng, sau đó gây hạ đường huyết đến mức co giật do hạ đường huyết quá thấp. Lượng Glycogen trong gan chuột nhắt giảm đáng kể, nhưng lượng Glycogen trong tim hơi tăng, dưới tác dụng của Gluczid này(Trung Dược Học).

+ Trên súc vật thực nghiệm cho thấy Bạch truật có tác dụng an thần với liều lượng nhỏ chất tinh dầu (Trung Dược Ứng Dụng Lâm Sàng).

+ Tinh dầu Bạch truật có tác dụng chống ung thư nơi súc vật phát triển [Học Báo Dược Học 1963, 10 (4): 199]

+ Chống loét Bao Tử: Gây loét bao tử thực nghiệm, tạo nên những tổn thương có bệnh sinh khác nhau. Loét Shay bằng cách thắt môn vị, có khả năng gây nên không những tình trạng ứ trệ dịch vị bao tử mà còn gây tổn thương về mạch máu kèm theo thiếu máu nguồn gốc thần kinh thực vật. Loét bằng cách cho nhịn đói (có thể do nguồn gốc tâm lý). Loét bằng cách tiêm Histamin được gây nên một phần do tăng tiết dịch vị và phần khác do tác dụng làm hư hại mạch máu bởi liều cao Histamin: Bạch truật có tác dụng ức chế rõ rệt đối với loét Shay và loét do nhịn đói, không tác dụng đối với loét do Histamin (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).

+ Hoạt Động Tiết Dịch Vị: Bạch truật có tác dụng làm giảm rõ rệt lượng dịch vị tiết ra và không làm giảm độ Acid tự do của dịch vị (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).

+ Chức Năng Ngoại Tiết Của Gan: Bạch truật không gây biến đổi về lưu lượng mật nhưng làm tăng 1 cách có ý nghĩa hàm lượng cắn khô trong mật và như vậy đã tăng lượng các chất thải trừ qua mật (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam). 

+ Đối Với Chức Năng Gan: Trong nghiệm pháp BSP về khả năng phân hủy và thải trừ chất mầu của gan cho thấy Bạch truật không ảnh hưởng đối với chức năng này của gan (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).

+ Kháng Viêm:

- Rễ Bạch truật có hoạt tính chống siêu vi khuẩn và chống ung thư trong thí nghiệm invitro (Trung Dược Học).

- Hoạt tính chống viêm của Bạch truật được thể hiện rõ rệt trên giai đoạn cấp tính của phản ứng viêm, tương ứng với những biến đổi về mạch máu gây thoát huyết tương ở khoảng ngoài tế bào và tạo phù nề. Tác dụng này đã được chứng minh trong thí nghiệm gây phù gây phù bằng Kaolin với liều Bạch truật từ 7,5g/kg thể trọng trở lên. Đối với giai đoạn bán cấp của phản ứng viêm tương ứng với sự tạo thành tổ chức hạt trong mô hình u hạt thực nghiệm với Amian, Bạch truật có tác dụng ức chế rõ rệt với liều từ 10g/kg thể trọng trở lên (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).

+ Bạch truật không ảnh hưởng đối với thành phần các Protein huyết thanh và chức năng bài tiết Urê của thận (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).

+ Bạch truật tỏ ra không độc trong các thí nghiệm về độc tính cấp và bán cấp, không gây phản ứng phụ trong thí nghiệm cho súc vật dùng thuốc dài ngày (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).

+ Bạch truật có tác dụng ức chế đối với một loại vi khuẩn gây bệnh ngoài da (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).

+ Tại Nhật Bản, người ta thường dùng loài Atractylodes japonica Koidz lqf biến giống của Atractylodes ovata DC. Loài A. japonica Koidz có những tác dụng dược lý như sau:

1) Tác dụng lợi tiểu, làm giảm phù đối với phù nhẹ.

2) Nước sắc có tác dụng hạ đường huyết rõ rệt.

3) Ức chế sự đông máu. Nước sắc có tác dụng giảm khả năng máu đông trong trường hợp hoạt tính tạo Fibrin trong máu tăng cao.

4) Chất Atractylon trong Bạch truật có tác dụng chống suy giảm chức năng gan. Bạch truật chế biến với giấm có tác dụng tăng tiết mật sau khi uống.

5) Nước sắc của Bạch truật có tác dụng mạnh chống loét các cơ quan tiêu hóa.

6) Các chất Atractylenoid I, II, III có tác dụng chống viêm và dịch chiết nước của Bạch truật có tác dụng chống viêm khớp rất rõ.

+ Cao nước của rễ Atractylodes japonica Koidz có tác dụng hạ đường huyết trên chuột nhắt, cao được phân tích dựa trên hoạt tính dược lý và thu được 3 Glycan là các Atractan A, B và C. những thành phần này có tác dụng hạ đường huyết trên chuột nhắt bình thường và chuột được gây đái tháo đường bằng Alloxan (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).

Tác dụng:

+ Trừ thấp, ích táo, hòa trung, ích khí, ôn trung, chỉ khát, an thai (Y Học Khải Nguyên).

+ Bổ Tỳ, ích Vị, táo thấp, hòa trung (Trung Dược Đại Từ Điển).

+ Kiện Tỳ, ích khí, táo thấp, lợi thủy, chỉ hãn, an thai (Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc Dược Điển).

+ Kiện Tỳ táo thấp (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Chủ trị :

+ Trị phù thũng, đầu đau, đầu váng, chảy nước mắt, tiêu đàm thủy, trục phong thủy kết thủng dưới da, trừ tâm hạ cấp hoặc mạn, hoắc loạn thổ tả…(Biệt Lục).

+ Chủ phong hàn thấp, hoàng đản (Bản Kinh).

+ Trị Tỳ Vị khí hư, không muốn ăn uống, hơi thở ngắn, hay mệt, hư lao, tiêu chảy, đờm ẩm, thủy thủng, hoàng đản, thấp tý, tiểu không thông, chóng mặt, tự ra mồ hôi, thai động không yên (Trung Dược Đại Từ Điển).

+ Trị Tỳ hư, ăn ít, bụng đầy, tiêu chảy, đờm ẩm, thủy thủng, chóng mặt, tự ra mồ hôi, thai động không yên. Sao với đất (thổ sao) có tác dụng kiện Tỳ, hòa Vị, an thai. Trị Tỳ hư, ăn uống kém, tiêu chảy, tiểu đường, thai động không yên (Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc Dược Điển).

+ Trị Tỳ hư, tiêu chảy, vùng rốn và bụng phù thüng, táo bón (Đông Dược Học Thiết Yếu).

7. Kiêng kỵ:

+ Bạch truật tính táo, Thận kinh lại hay bế khí nên những người Can Thận có động khí cấm dùng (Bản Thảo Kinh Sơ).

+  Phàm uất kết, khí trệ, trướng bỉ, tích tụ, suyễn khó thở, bao tử đau do hỏa, ung thư (mụn nhọt) có nhiều mủ, người gầy, đen mà khí thực phát ra đầy trướng, không nên dùng (Dược Phẩm Hóa Nghĩa).

+ Âm hư, táo khát, khí trệ, đầy trướng, có hòn khối (bỉ), không dùng (Trung Dược Đại Từ Điển).

+Âm hư hỏa thịnh, thận hư cấm dùng. Kỵ Đào, Tùng, Thái, thịt chim sẻ, Thanh ngư (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).