Đương Quy

Thương hiệu: Đang cập nhật

Tình trạng: Còn hàng

Liên hệ
1. Đương Quy: (Radix Angelica sinensis )  + Cây thuốc: Đương quy là cây thảo sống lâu năm, cao 40-60cm. Rễ rất phát triển. Thân hình trụ, có rãnh dọc màu tím. Lá mọc so le, xẻ lông chim 3 lần; cuống dài 3-12cm, có bẹ to ôm thân; lá chét phía dưới có cuống, các lá chét ở ngọn không cuống, chóp nhọn, mép khía răng không đều. Cụm hoa tán kép gồm 12-36 tán nhỏ dài ngắn không đều; hoa nhỏ màu trắng hay lục nhạt. Quả bế, dẹt, có rìa màu tím nhạt. Mùa hoa quả tháng 7-9. + Dược liệu: Rễ dài...

1. Đương Quy: (Radix Angelica sinensis ) 

+ Cây thuốc: Đương quy là cây thảo sống lâu năm, cao 40-60cm. Rễ rất phát triển. Thân hình trụ, có rãnh dọc màu tím. Lá mọc so le, xẻ lông chim 3 lần; cuống dài 3-12cm, có bẹ to ôm thân; lá chét phía dưới có cuống, các lá chét ở ngọn không cuống, chóp nhọn, mép khía răng không đều. Cụm hoa tán kép gồm 12-36 tán nhỏ dài ngắn không đều; hoa nhỏ màu trắng hay lục nhạt. Quả bế, dẹt, có rìa màu tím nhạt. Mùa hoa quả tháng 7-9.

+ Dược liệu: Rễ dài 10 - 20 cm, gồm nhiều nhánh, thường phân biệt thành 3 phần: Phần đầu gọi là quy đầu, phần giữa gọi là quy thân, phần dưới gọi là quy vĩ.

- Đường kính quy đầu 1,0 - 3,5 cm, đường kính quy thân và quy vĩ từ 0,3 - 1,0 cm. Mặt ngoài màu nâu nhạt, có nhiều nếp nhăn dọc. Mặt cắt ngang màu vàng ngà có vân tròn và nhiều điểm tinh dầu. Mùi thơm đặc biệt, vị ngọt, cay, hơi đắng.

+ Phân bố: Đương quy hiện nay vẫn phải nhập của Trung quốc và Triều Tiên. Ta đã nhiều lần thí nghiệm trồng nhưng mới thành công trong phạm vi nhỏ tại Sapa tỉnh Lào cai, chưa phổ biến rộng rãi. Nhưng mới đây chúng ta đã trồng thành công Đương quy ở vùng đồng bằng quanh Hà Nội do lợi dụng thời tiết lạnh của mùa rét, tuy nhiên chất lượng có khác. Tại Trung Quốc, Đương quy được trồng nhiều nhất ở các tỉnh Cam Túc, Tứ Xuyên, Vân Nam, Thiểm Tây. Hằng năm, vào mùa thu gieo hạt, cuối thu đầu đông nhổ cây con cho vào hố ở dưới đất cho qua mùa đông. Qua mùa xuân lại trồng, đến mùa đông lại bảo vệ. Đến mùa thu năm thứ 3 có thể thu hoạch.

+ Bộ phận dùng: Thân, rễ, củ. Được chia làm 4 loại gồm Quy đầu (lấy một phần phía đầu), Quy thân (lấy phần giữa bỏ đầu va đuôi), Quy vĩ (lấy phần dễ nhánh), Toàn quy (lấy toàn bộ củ Đương quy).

2. Thu hái - sơ chế:

+ Thu hoạch vào cuối mùa thu khi cây đã được 3 năm. Đào rễ về cắt bỏ rễ con, phơi trong nhà hoặc cho vào trong thùng, sấy lửa nhẹ, cuối cùng phơi trong mát cho khô.

3. Bào chế - bảo quản:

Bào chế:

+ Theo kinh nghiệm Việt Nam:

–  Rửa qua bằng rượu, nếu không có rượu rửa bằng ít nước cho nhanh, vẩy ráo nước ủ một đêm cho mềm, thường đem bào mỏng một ly (dùng sống), cách này thường dùng.

Nếu rửa bằng nước và muốn để lâu phải sấy nhẹ qua diêm sinh để chống mốc. Nếu bị mốc thì lấy rượu tẩy đi.

Nếu đương quy bé, đồ qua cho mềm, xếp vào nhau, đập bẹp, ép thành miếng to rồi bào, sẽ được miếng quy to và đẹp.

–  Có thể bào mỏng rồi đem tẩm rượu và nếu cần thì sấy nhẹ lửa. Có người pha rượu với mật ong (1/5) để làm dịu tính cay rồi tẩm.

–  Có thể sau khi tẩm rượu thì sao qua (vi sao) để trị băng huyết.

+ Theo Trung y: 

–  Rửa sạch bằng rượu, cắt bỏ đầu, thái mỏng, tẩm rượu một đêm.

Bảo quản:

Để nơi khô ráo, đựng trong hòm gỗ, có lót ít vôi sống, khi trời ẩm nên mở hòm cho thoáng gió. Khi sấy, phơi không dùng sức nóng quá là mất tinh dầu.

4. Thành phần:

+ Rễ chứa tinh dầu 0,2%, trong đó có chứa 40% acid tự do. Tinh dầu gồm có các thành phần chủ yếu sau: Ligustilide, o-valerophenon carboxylic acid,  sesquiterpen, safrol, p-cymen, vitaminB12 0,25-0,40%, acid folinic, biotin.
5. Tính vị - quy kinh:

Tính vị: Vị cay, ngọt, đắng, thơm, tính ôn.

Quy kinh: Vào kinh tâm, can, tỳ .

6. Tác dụng - chủ trị:

Tác dụng dược lý:

+ Đương quy có tác dụng 2 chiều đối với tử cung. Chất tan vào nước hoặc cồn không phải tinh dầu có tác dụng hưng phấn tử cung cô lập; còn chất bốc hơi sôi ở nhiệt độ cao và dầu. Đương quy có tác dụng ức chế và lúc áp lực trong tử cung cao thì thuốc làm tăng co bóp tử cung. Đương quy còn có tác dụng gia tăng sự tổng hợp protid khiến tử cung dày lên. Đương quy còn có khả năng chống sự thiếu hụt vitamin E phòng ngừa sẩy thai nhưng không thể hiện rõ tác dụng như oestrogen.

+ Dịch ngâm Đương quy cho chuột nhắt làm tăng huyết sắc tố và hồng cầu. Tác dụng này có quan hệ với hàm lượng vitamin B12 và acid folic trong Đương quy.

+ Đương quy có tác dụng làm dãn động mạch vành, tăng lưu lượng máu của động mạch vành, giảm tiêu hao lượng oxy của cơ tim, giảm ngưng tập của tiểu cầu, chống sự hình thành huyết khối, có tác dụng làm giảm rối loạn nhịp tim và hạ lipid huyết. Đương qui có tác dụng làm dãn huyết quản ngoại vi, làm dịu co thắt cơ trơn của huyết quản ngoại vi, tăng lưu lượng máu; vì thế mà Đương quy có tác dụng giảm đau. Tinh dầu Đương quy làm huyết áp tăng nhưng chất hòa tan trong nước thì làm hạ huyết áp.

+ Tác dụng chống viêm: Nước chiết xuất Đương quy giảm thấp tính thẩm thấu của huyết quản, ức chế các chất gây viêm của tiểu cầu như 5TH phóng ra.

+ Tác dụng giảm đau, an thần do tinh dầu Đương quy.

+ Đương quy có tác dụng làm tăng chức năng miễn dịch không đặc hiệu của cơ thể, tăng khả năng thực bào của đại thực bào, thúc đẩy sự chuyển dạng Lympho bào. Nhưng cũng có người cho rằng Đương quy có tác dụng ức chế miễn dịch.

+ Có tác dụng lợi tiểu do thành phần đường mía trong Đương quy, cao nước thô của Đương quy có tác dụng hưng phấn đối với cơ trơn ruột non và bàng quang của súc vật thí nghiệm.

+ Có tác dụng làm dãn cơ trơn phế quản và làm giảm cơn hen (bình suyễn).

+ Có tác dụng bảo vệ gan, phòng ngừa glycogen gan giảm thấp.

+ Tác dụng kháng khuẩn: Nước sắc Đương quy có tác dụng ức chế các loại trực khuẩn coli, lị, thương hàn, phó thương hàn, phẩy khuẩn tả, trực khuẩn bạch hầu, liên cầu khuẩn tán huyết. Tinh dầu Đương quy có tác dụng ức chế tụ cầu khuẩn vàng, trực khuẩn coli, trực khuẩn lî Flexner, trực khuẩn mủ xanh.

+ Có tác dụng phòng chống thiếu vitamin E trích yếu văn kiện nghiên cứu Trung dược, nhà xuất bản Khoa học 1965, tr265.

+ Về tác dụng đối với huyết áp, có tài liệu nói: theo Schmidt, Y Bác An và Trần khắc Khôi (1924, Chinese Med. J 38, 362), tinh dầu của Đương quy có tác dụng hạ huyết áp, nhưng thành phần không bay hơi của Đương quy lại có tính chất làm co cơ trơn ở thành mạch máu làm cho huyết áp tăng cao.

+ Đương quy có tác dụng nhuận tràng thông tiện.

Tác dụng:

+ Bổ huyết, hoạt huyết, điều kinh, giảm đau, nhuận tràng. 

+ Đương quy chích rượu: Dùng điều trị bế kinh, đau bụng kinh, phong thấp tê đau, sưng đau do sang chấn.

+ Toàn Quy: Hoà huyết (vừa bổ huyết vừa hoạt huyết).
+ Quy vĩ: Hoạt huyết hoá ứ.
+ Quy thân: Dưỡng huyết bổ huyết.
+ Quy đầu: Chỉ huyết.

    Chủ trị:

    + Huyết hư, chóng mặt. Kinh nguyệt không đều, bế kinh, đau bụng kinh, táo bón do huyết hư. Phong thấp tê đau, sưng đau do sang chấn.

    + Chữa thiếu máu xanh xao, đau đầu, cơ thể gầy yếu, mệt mỏi, đau lưng, đau ngực bụng, viêm khớp, chân tay đau nhức lạnh, tê bại, tê liệt, đại tiện táo bón, mụn nhọt lở ngứa, tổn thương ứ huyết .

    7. Kiêng kỵ:

    + Những người tỳ vị có thấp nhiệt, đai tiện lỏng, không nên dùng; đế tránh hiện tượng gây hoạt tràng, đại tiện lỏng, khi dùng cần qua sao chế để giảm tính nhuận hoạt của vị thuốc.

    8. Một số cách dùng thông dụng:

    + Các hội chứng do thiếu máu: Dùng phối hợp đương quy với bạch thược, sinh địa hoàng và hoàng kỳ dưới dạng tứ vật thang.

    + Loạn kinh nguyệt: Dùng phối hợp đương qui với sinh địa hoàng, bạch thược, và xuyên khung dưới dạng tứ vật thang.

    + Kinh nguyệt ít: Dùng phối hợp đương qui với hương phụ, diên hồ sách và ích mẫu thảo.

    + Vô kinh: Dùng phối hợp đương qui với đào nhân và hồng hoa. Chảy máu tử cung: Dùng phối hợp đương qui với A giao, Ngải diệp và Sinh địa hoàng.

    + Đau do ứ máu:

    - Đau do chấn thương ngoài: Dùng phối hợp đương qui với hồng hoa, táo nhân, nhũ hương và một dược.

    - Đau do nhọt và hậu bối: Dùng phối hợp đương qui với mẫu đơn bì, xích thược, kim ngân hoa và liên kiều.

    - Đau bụng sau đẻ: Dùng phối hợp đương qui với ích mẫu thảo, táo nhân và xuyên khung.

    - Ứ trệ phong thấp (đau khớp): Dùng phối hợp đương qui với quế chi, kích huyết đằng và bạch thược.

    + Thiếu máu dẫn đến hoa mắt, chóng mặt, da dẻ xanh xao, người gầy yếu: Đương quy, xuyên khung, bạch thược, thục địa mỗi vị 12g. Sắc uống ngày 1 thang, uống liền 3 – 4 tuần lễ đến khi các triệu chứng thuyên giảm. Trường hợp khí và huyết đều kém, người mệt mỏi, vô lực, da xanh xao, gầy còm: Đương quy 12g, hoàng kỳ 40g. Sắc uống ngày 1 thang, uống liền 3 – 4 tuần lễ. Hoặc đương quy, nhân sâm (đảng sâm), bạch linh, bạch truật, bạch thược, thục địa mỗi vị 12g; xuyên khung 8g, cam thảo 6g. Sắc uống ngày 1 thang, uống liền 3 – 4 tuần lễ; hoặc dùng dưới dạng viên hoàn, uống dài ngày.

    + Trị chứng bế kinh, đau bụng kinh: Đương quy, sinh địa, ngưu tất, hồng hoa, xuyên khung mỗi vị 6g; chỉ xác 8g; sài hồ, cam thảo mỗi vị 4g. Sắc uống ngày 1 thang.

    + Trị các chứng xuất huyết: Đương quy, bồ hoàng, đại hoàng, hòe hoa, a giao mỗi vị 30g. Tất cả các vị thuốc đều tán sao, thêm mật ong làm hoàn, ngày 2 lần, mỗi lần 10g.

    + Trị tiêu hóa kém do tỳ hư dẫn đến khí huyết đều kém, cơ thể gầy yếu, kém ăn, kém ngủ: Đương quy, viễn chí, cam thảo mỗi vị 4g; bạch truật, hoàng kỳ, bạch linh, hắc táo nhân mỗi vị 12g; đảng sâm, mộc hương mỗi vị 6g. Sắc uống ngày 1 thang. Do trong thành phần có chứa tinh dầu, mùi vị rất thơm ngon, đương quy còn được sử dụng trong chế biến các món ăn hằng ngày, vừa có giá trị dinh dưỡng cao, vừa có tác dụng chữa bệnh.

    + Chữa các chứng tý (tê, đau): Đương quy 12g, quế chi 8g, thương thuật 10g, cúc hoa 6g, ngưu tất 10g, nước vừa đủ sắc còn 1/3, chia uống 2 lần sáng và tối trước khi đi ngủ.

    + Trị sốt rét lâu không khỏi: Đương quy 12g, ngưu tất 10g, miết giáp 12g, quất bì 6g, sinh khương (gừng sống) 3 lát. Sắc uống như bài trên.

    + Trị ra mồ hôi trộm:  Đương quy 12g, hoàng kỳ 10g, sinh địa 8g, thục địa 8g, hoàng cầm 6g, hoàng liên 6g, hoàng bá 6g. Cách sắc và uống như trên.

    + Trị tâm huyết hư, không ngủ được: Đương quy 12g, toan táo nhân 8g, viễn chí 10g, nhân sâm 10g, phục thần 10g. Cách sắc uống như trên.

    + Trị vấp ngã gây đau: Đương quy 12g, tục đoạn 10g, ngưu tất 10g, đỗ trọng 12g, địa hoàng 10g, vảy sừng hươu 2g, quế bột một thìa cà phê, nước vừa đủ, sắc uống nóng.

    + Trị bại liệt tứ chi và đau cột sống: Đương quy 40g, tế tân 4g, tục đoạn 12g, đỗ trọng 12g, độc hoạt 12g, lưu kỳ nô 8g, chỉ xác 12g, cam thảo 4g, nước 300ml, sắc còn 100ml, uống 2 lần sáng và tối.

    + Bài Tứ vật thang: Dùng cho phụ nữ, chữa thiếu máu, kinh nguyệt không đều, cơ thể suy nhược, đau ở rốn, khi đẻ xong, huyết hôi ra rỉ rả không ngừng, dùng: đương quy 12g, bạch thược 8g, thục địa 12g, xuyên khung 6g, nước 600ml, sắc còn 200ml, chia 2 lần uống trong ngày.

    + Trị bệnh động mạch vành: Đương quy 10g, sơn tra 90g, ngó sen 15g, rễ hành 6g. Tất cả cho vào nồi với một ít nước nấu thành canh uống 2 lần sáng và tối trong ngày.

    + Trị viêm tiền liệt tuyến: Hạt quýt 15g, hạt vải 15g, đương quy 15g, thịt dê 50g. Nấu lên, ăn thịt, uống nước. Tuần ăn 2 lần hoặc lá hành 25g, đương quy 8g, trạch lan 5g. Sắc nước uống thay chè hằng ngày.